16/08/2011 13:23 PM

Chiếc vành móng ngựa trở nên quá rộng cho một thằng bé nhỏ thó như nó. Đã 15 tuổi nhưng trông nó chỉ như cậu học sinh tiểu học. Nước da đen nhẻm khiến gương mặt gầy rộc của nó càng lì lợm hơn.

Sau mỗi câu thẩm vấn của HĐXX, Võ Hoàng Phước lại cố rướn người lên chiếc micro trước mặt. Bằng giọng đều đều không cảm xúc, nó bảo chỉ muốn đánh dằn mặt chứ không muốn giết chết nạn nhân.

Phước khai, tối 24/3/2010, nó nhìn thấy Nguyễn Lưu Ngọc Tuyền và Phạm Huấn (cùng 14 tuổi) cãi nhau ở khu đất trống thuộc quận 2 (TP HCM). Sau khi Huấn về, Tuyền đã khóc rất nhiều. Dù mới quen cô bạn 2 ngày nhưng nó thấy bức xúc nên muốn dằn mặt Huấn.

Tối hôm sau, nó rủ Trần Ngọc Sang và hơn chục “chiến hữu” đứng chờ sẵn ở nơi mà nó biết chắc Huấn sẽ có mặt. Khi vừa thấy cậu này cùng các bạn đi tới, cả nhóm xông ra đánh. Đứa nào có gì thì dùng thứ đó làm hung khí, còn nó thủ sẵn con dao nên khi đuổi kịp Huấn đâm luôn một nhát vào tay. Con dao gãy đôi, cả bọn bỏ đi mà không biết nạn nhân chết. Khi biết tin Huấn chết, nó đã về kể cho cha nghe và được ông dẫn đi đầu thú.

Vẻ thản nhiên khai nhận tội ác của Phước khiến nhiều người ái ngại
Vẻ thản nhiên khai nhận tội ác của Phước khiến nhiều người ái ngại. Ảnh: Vũ Mai.

"Con thấy Tuyền khóc nhưng bạn ấy không nói lý do. Con muốn bạn ấy nín nên bảo sẽ đánh Huấn", Phước nói tỉnh bơ.

"Chỉ vì lý do đó mà bị cáo kéo hơn chục người giết người ta sao?", vị hội thẩm hỏi.

"Con còn nghe nói Huấn đã lấy tiền của bạn con trước đó nên muốn đánh bạn ấy trả thù", Phước trả lời.

"Bị cáo chỉ vừa 15 tuổi sao không lo học mà tụ tập băng nhóm quậy phá?", vị hội thẩm tiếp tục.

"Hồi đó con đi học nhưng 4 năm không qua được lớp 1. Bị cô giáo đánh hoài nên con nghỉ, không biết đọc biết viết. Hàng ngày con đi bán giấy dò xổ số khoảng 15 phút rồi thôi. Bạn bè chơi với nhau thì đi chung", Phước lại thản nhiên.

"Lúc đâm Huấn, bị cáo có cảm giác gì?", đại diện VKS hỏi thêm.

"Con không có cảm giác gì cả".

Thấy kiểm sát viên nghiêm giọng, nó luống cuống không biết trả lời thế nào đành gật đầu khiến những người ngồi xét xử không giấu được vẻ ngỡ ngàng. Hướng mắt về người đàn ông lam lũ, áo quần bạc thếch, giọng vị hội thẩm gay gắt:

"Ông có thấy con mình rất thiếu kiến thức về cuộc sống, không biết phân biệt điều gì đúng điều gì sai. Hậu quả là đã tước đi sinh mạng của một người và hôm nay phải ra trước tòa để trả giá. Thậm chí nạn nhân chết đi mà không biết vì sao mình bị giết. Sự thể ra nông nỗi này cũng là do cha mẹ đã không quan tâm, giáo dục...".

Hứng chịu mọi ánh mắt, cha Phước đứng trân mình chịu trận. Đôi bàn tay thô kệch run rẩy. Ngồi cạnh là người đàn ông trung niên buồn bã bên di ảnh của một cậu bé có đôi mắt sáng ngời và nụ cười tươi rói. Ông là cha của nạn nhân.

Rưng rưng nước mắt, cha Phước trình bày rất hối hận khi để con ra nông nỗi này. Rồi như để thanh minh, ông nói: "Vợ chồng tôi ly hôn từ ngày nó còn rất nhỏ. Nó ở với mẹ nên tôi ít có cơ hội gần gũi. Từ ngày mẹ nó chết tôi mới đón về nuôi nhưng cũng không sát sao với con vì mải lo kiếm sống. Bây giờ tôi đã thấy rất rõ trách nhiệm của mình".

Giờ nghị án, cha Phước bước vội ra hành lang phòng xử kéo những hơi thuốc thật sâu. Sau hồi im lặng, người cha lại rơi nước mắt khi nhắc đến nguyên nhân lạc lối của cậu con trai duy nhất.

Ông bảo mình lớn lên trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng lại may mắn từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ tại Campuchia. Đó là quãng thời gian ông chiêm nghiệm về bản thân và học hỏi được nhiều nhất về cuộc đời. Sau khi xuất ngũ ông làm nhân viên vệ sinh rồi kết hôn với mẹ Phước. Lúc đầu ông có một mái ấm hạnh phúc, nhưng đến một ngày ông bắt gặp người vợ mà ông hết mực thương yêu đã phản bội ngay trên chiếc giường hạnh phúc của họ.

Ngước ánh mắt theo những vệt nắng dài đang xuyên qua khung cửa sổ, ông cười gượng bảo lúc đó chỉ muốn nhảy vào giết chết cả hai nhưng vì nghĩ đến Phước nên cố kìm lòng. Cũng vì con mà ông chấp nhận tha thứ và cùng vợ làm lại từ đầu. Thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn vợ ông lại "ngựa quen đường cũ". Lần này ông đã không giữ được tổ ấm cho con.

Thậm chí nạn nhân chết đi mà không biết vì sao mình bị giết. Ảnh: Vũ Mai

Sau khi ly hôn, Phước ở với mẹ. Ông cũng biết con sống thế nào nhưng rất khó nói bởi mẹ nó đã có chồng và hai đứa con khác. Sau này ông có gia đình riêng và phải chăm sóc cho mẹ già bệnh tật nên ít có thời gian thăm hỏi con. Vài năm trước mẹ Phước chết, ông đón con về ở chung. Dù ông chưa có thêm đứa con nào, dù vợ ông xem Phước như con ruột nhưng cũng không thể lấy lại "phần tuổi thơ đã bị đánh cắp của nó". Biết con gây trọng tội, ông đưa con đi đầu thú xem như phần nào tạ lỗi với gia đình nạn nhân và mong muốn con mình nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Nhà nghèo, mẹ bệnh, con mang tội... ông không biết vay mượn đâu để có tiền hương khói cho cậu bé tội nghiệp nên đành bán chiếc xe máy là thứ duy nhất có giá trị trong nhà. Cầm 7 triệu đồng trên tay nhưng ông không dám mang đến gia đình Huấn vì sợ họ không chấp nhận.

"Cuối cùng tôi đành phải nhờ công an dẫn đến để thay con tạ tội. Thật trớ trêu, cha của Huấn lại là bạn học cũ của tôi. Gặp nhau trong nghịch cảnh thế này đau đớn không nói được bằng lời. Tôi thấy lỗi của mình lớn quá...", ông nhìn về phía cha Huấn, trào nước mắt.

Một bà lão mếu máo, bước thấp bước cao từ phòng xử đến chỗ mấy người đàn bà khác đang túm tụm bàn tán về mức án mà VKS đề nghị cho các bị cáo. Ngồi bệt xuống, bà kéo vạt áo lau nước mắt rồi móm mém cho hay là bà ngoại của Phước. "Tội nghiệp, nếu mẹ nó không chết thì nó sẽ không ra thế này đâu. Con tôi vì buồn thằng chồng nghiện ngập, đánh đập mẹ con nó nên cùng quẫn quá mà tự thiêu. Sau cái chết thảm thương của mẹ, mấy đứa con tứ tán mỗi người một nơi. Tôi nghèo quá nuôi thân còn không nổi nên chẳng giúp được đứa nào", bà lão lại mếu máo.

Ngày 11/8, cho rằng Phước có lối hành xử ngang ngược, côn đồ, coi thường mạng sống người khác; Sang còn rất trẻ nhưng đã nhiều lần bị xử lý hành chính về các trò quậy phá, trộm cắp vặt, nghiện ma túy..., TAND TP HCM đã tuyên phạt Phước mức án 10 năm tù về tội "giết người", Sang 2 năm tội "gây rối trật tự công cộng". Các thiếu niên tham gia vụ ẩu đả được giao cho địa phương quản lý vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Nhìn cánh tay chấp chới của con sau cánh cửa xe tù, cha Phước mím chặt môi cố ngăn dòng nước mắt.

Vũ Mai

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,761

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]