Luật sư Hoàng Việt
Những ngày qua có nhiều dư luận về vụ việc xảy ra ở Vinalines, dưới góc độ nghề nghiệp của mình, là một luật sư, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ như sau:
Thứ nhất, dù chúng ta đang cố gắng xây dựng cơ chế chính sách tạo bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhưng thực tế tồn tại cho đến hôm nay là “sự ưu ái” của Nhà nước vẫn dành cho DNNN Cái rõ nhất của sự ưu ái này là khả năng tiếp cận và sử dụng các nguồn lực. Nhưng Nhà nước chưa có cơ chế giám sát đủ hiệu quả đối với việc quản lý và sử dụng nguồn lực tại các DNNN. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp, gây lãng phí, thất thoát. Trong khi đó các doanh nghiệp ngoài nhà nước có thể sử dụng các nguồn lực đó hiệu quả hơn lại không tiếp cận được, hoặc có thì rất khó khăn.
Vì vậy, tốt nhất là phải tạo bình đẳng thật sự. Bình đẳng khi xử lý sai phạm và phải cả trong phân phối nguồn lực nữa. Đồng thời, nhất thiết phải có sự đổi mới mạnh mẽ cơ chế giám sát DNNN. Ở đây, phải có nhiều cơ quan cùng tham gia như là Bộ quản lý Nhà nước, kiểm toán, thanh tra (không chỉ thanh tra nhà nước mà cả thanh tra chuyên ngành)... DNNN cần coi việc bị kiểm tra, thanh tra, kiểm toán là bình thường, là công việc thường xuyên. Nếu phát hiện ra sai phạm thì cần phải xử lý tức thời, minh bạch và nghiêm minh theo quy định của pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Thứ hai, việc bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ ở nước ta luôn được coi là việc của Đảng và ít khi được công khai minh bạch. Tôi cho rằng dù thực chất đó là trách nhiệm của Đảng, nhưng cũng vẫn theo các quy định của pháp luật. Dưới giác độ này tôi lại đánh giá cao thái độ và cả sự chặt chẽ của Chính phủ khi Người phát ngôn đề cập tới thẩm quyền, quy trình. Có ý kiến cho rằng đó chỉ là “hình thức” và hình thức thì không quan trọng bằng nội dung. Nhưng trong một nhà nước pháp quyền thì trước hết phải đề cập tới “hình thức” đó và phải khẳng định đúng sai dựa trên pháp luật. Trong trường hợp cụ thể này, quyết định của Thủ tướng về việc ông Dương Chí Dũng thôi chức Chủ tịch HĐTV Vinaline là đúng về “hình thức”. Về “nội dung” tôi cho rằng cũng không sai vì rõ ràng là Vinalines đang trong tình trạng không tốt từ một số năm thì việc thay người đứng đầu là hợp lý. Đó là chưa nói tới việc nếu Thủ tướng biết là cơ quan công an đang điều tra ông Dương Chí Dũng thì việc “cách ly” một cách “êm” ông này ra khỏi vị trí đứng đầu Vinalines là rất có ích cho công tác điều tra.
Tôi cũng chia sẻ hiểu biết từ thực tiễn của mình là để có đủ cơ sở pháp lý tới mức có thể khởi tố, truy tố một người có chức có quyền là hết sức khó khăn và thường phải làm hết sức bí mật. Vì thế trên thế giới và cả ở nước ta cũng đã có những quan chức cao cấp bị truy tố không lâu, thậm chí ngay sau bầu cử.
Đối với việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng, tôi cũng đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nên thông tin cho công luận cụ thể cả về “hình thức” và “nội dung”.
Tôi cho rằng, với tinh thần thượng tôn pháp luật và thực hiện công khai, minh bạch, công bằng trong mọi vấn đề của cuộc sống, thì cái gì đúng cần bảo đúng, cái gì sai thì bảo sai với một thái độ khách quan, công tâm thì mới có những giải pháp hiệu quả và thấu đáo. Và những quyết sách trong những trường hợp đó mới thấu tình đạt lý và được lòng dân.
Luật sư Hoàng Việt(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)