Tuy nhiên, tăng bao nhiêu cần phải cân nhắc kỹ để vừa đảm bảo tính răn đe vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người dân.
Đại biểu Ngô Văn Minh (ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật |
Dự thảo luật do Chính phủ trình quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng do tính chất vi phạm giữa cá nhân và tổ chức khác nhau nên cần phân định rõ mức phạt đối với cá nhân hoặc tổ chức vi phạm. Đối với cùng hành vi vi phạm thì mức phạt của tổ chức cao hơn gấp hai lần so với cá nhân vi phạm; đối với cá nhân vi phạm hành chính thì quy định mức phạt tiền tối đa có thể là 1 tỉ đồng; đối với tổ chức vi phạm hành chính thì có thể bị phạt tối đa đến 2 tỉ đồng.
Phạt quá khốc liệt có thể dẫn đến chai lì
Đại biểu Ngô Văn Minh(ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật): Thiết tha cân nhắc Tôi thiết tha đề nghị Quốc hội cân nhắc việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Thử hình dung khi bắt được rồi lại thả ra và tiếp tục vi phạm. Nếu không đưa vào cơ sở chữa bệnh thì cũng nên lập một trung tâm giáo dục, hướng nghiệp, tạo điều kiện cho người bán dâm vào đó để hoàn lương. Không nên thả ra như thế, bao nhiêu lực lượng đấu tranh trong lĩnh vực này, lẽ nào phạt cho tồn tại. |
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói: “Việc nâng tiền phạt có tác dụng răn đe và phòng ngừa lớn, thực tế cho thấy mức phạt hiện nay đã lạc hậu trong khi vi phạm hành chính ngày càng nhiều và ngang nhiên trên tất cả lĩnh vực như giao thông, đô thị, môi trường...”. Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) lại cho rằng mức phạt tiền tối đa nêu trên là quá cao và không hẳn là biện pháp hữu hiệu, mà có thể dẫn đến tiêu cực.
Cũng băn khoăn không kém, thiếu tướng Trần Văn Độ - chánh án Tòa án quân sự trung ương - nói: “Xử phạt quá khốc liệt có thể dẫn đến chai lì từ phía người vi phạm”. Theo ông Độ, việc nâng mức phạt tiền không phải là biện pháp hữu hiệu duy nhất để hạn chế vi phạm, cần chú trọng áp dụng đồng bộ các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả hoặc bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm gây ra.
Trước việc dự thảo luật quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 2 tỉ đồng, trong khi lĩnh vực quốc phòng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia chỉ là 100 triệu đồng, hoặc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội là 70 triệu đồng, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng việc chia mức phạt như vậy chưa dựa trên cơ sở khoa học. “Không thể khẳng định mức độ gây hậu quả của vi phạm hành chính về quốc phòng, an ninh lại thấp hơn môi trường” - ông Vinh nói. Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính về bảo vệ biên giới quốc gia.
Thiếu tướng Trần Văn Độ đề nghị cần hạn chế đến mức thấp nhất biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính, vì biện pháp này gây ra những hệ lụy không có lợi, có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng biện pháp này. Ông Độ kể: “Cử tri phản ảnh việc tạm giữ phương tiện là đánh vào người nghèo. Đơn cử như gia đình năm người chỉ có một xe máy, khi một người vi phạm và xe bị tạm giữ thì cả năm người không có phương tiện đi lại. Hoặc một gia đình mua chiếc xe tải để hành nghề vận tải, một người vi phạm, xe bị tạm giữ mấy tháng, cả gia đình không có công ăn việc làm và thu nhập để đảm bảo cuộc sống”.
Bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý |
Ông Lý cho biết: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là không phù hợp, vì dẫn đến tình trạng người bán dâm mặc dù không có bệnh nhưng vẫn bị buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh là không đúng bản chất, tên gọi của biện pháp xử lý”.
Tuy nhiên, thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến - tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an - bày tỏ băn khoăn trước việc bỏ biện pháp nêu trên vì tình hình hiện nay vẫn phức tạp. Còn bà Đặng Thị Kim Chi (chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Yên) đồng ý không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, trong trường hợp đã đưa vào thì phải đưa cả người mua dâm. “Có mua thì mới có bán. Không có cơ sở nào để nói rằng chỉ người bán dâm mới truyền bệnh, còn người mua dâm thì không truyền bệnh” - bà Chi nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Người bán dâm được coi là nạn nhân Không nên áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh mà chỉ quy định người có hành vi bán dâm là vi phạm hành chính phải bị xử phạt. Đối tượng này nên được coi là nạn nhân, cần quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ họ trở thành người lương thiện bằng các giải pháp kinh tế, xã hội thông qua các hình thức lao động hướng nghiệp, dạy nghề. |
VÕ VĂN THÀNH