Đề xuất 10 nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động từ 2021

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
05/10/2020 09:22 AM

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết về nội dung hợp đồng lao động theo khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019.

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về nội dung hợp đồng lao động

Đề xuất 10 nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động

Đ xut 10 ni dung ch yếu ca hp đng lao đng từ 2021 (Ảnh minh họa)

Theo đó, nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019  được quy định như sau:

(1) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động được quy định như sau:

- Tên của người sử dụng lao động: tên doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức, trường hợp là cá nhân thuê mướn sử dụng lao động thì ghi họ tên người sử dụng lao động theo số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu được cấp;

- Địa chỉ của người sử dụng lao động: địa chỉ của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thuê mướn, sử dụng lao động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có);

- Họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động: họ tên, chức danh trong doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động.

(2) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động:

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có), số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 18 của Bộ luật Lao động;

- Số giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với người lao động là người nước ngoài;

- Họ tên, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi.

(Hiện hành, theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP, còn quy định nội dung: Văn bản đồng ý việc giao kết hợp đồng lao động của người đại diện theo pháp luật đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; Văn bản của người dưới 15 tuổi đồng ý để người đại diện theo pháp luật của mình giao kết hợp đồng lao động).

(3) Công việc và địa điểm làm việc được quy định như sau:

- Công việc: những công việc mà người lao động phải thực hiện;

- Địa điểm làm việc của người lao động: phạm vi, địa điểm người lao động làm công việc đã thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi các địa điểm chính người lao động làm việc.

(4) Thời hạn của hợp đồng lao động: thời gian thực hiện hợp đồng lao động (số tháng hoặc số ngày), thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn); thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn).

(Hiện hành, thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định);…).

(5) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh: mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động.

- Phụ cấp lương: tên và mức của các khoản tiền theo thỏa thuận của hai bên để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương.

- Các khoản bổ sung khác: các khoản tiền theo thỏa thuận của hai bên ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

- Hình thức trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Lao động.

- Kỳ hạn trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động.

(6) Chế độ nâng bậc, nâng lương: theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thỏa thuận thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

(Hiện hành, theo nội dung thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức tiền lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thỏa thuận thực hiện theo quy chế của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể).

(7) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy, quy định của người sử dụng lao động về thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc của ngày, tuần hoặc ca làm việc; số ngày làm việc trong tuần; thời gian, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc nghỉ trong giờ làm việc; thời gian nghỉ hằng tuần.

(Hiện hành, theo nội dung thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy chế của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và theo quy định của pháp luật).

(8) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động: những loại trang bị bảo hộ lao động theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của người sử dụng lao động và quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

(Hiện hành, theo nội quy lao động, quy chế của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động).

(9) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế: theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

(10) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề: quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong việc đảm bảo thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Hiện hành, còn quy định các nội dung khác liên quan đến thực hiện nội dung mà hai bên thỏa thuận.

Xem chi tiết tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết về nội dung hợp đồng lao động theo khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,232

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]