Bộ Tư pháp vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Kế hoạch xác định mục tiêu mỗi năm có thêm từ 800 đến 1.000 người tham gia nghề này; trên 50% vụ án hình sự tòa án xét xử có luật sư tham gia; phấn đấu trên 50% các cơ quan tổ chức doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của luật sư.
Việc nâng cao vai trò luật sư trong các hoạt động tố tụng; từng bước phát triển, mở rộng thị trường dịch vụ pháp lý... cũng là điểm mấu chốt của Kế hoạch.
Luật sư tham gia tố tụng tại một phiên tòa. Ảnh: H.A |
Nhiều đại diện các đoàn luật sư đánh giá đây là chiến lược có ý nghĩa "cực kỳ quan trọng". Họ kỳ vọng với mục tiêu thiết thực được triển khai sẽ giúp nghề luật sư được đánh giá đúng, có vị trí hơn nữa trong xã hội.
Trăn trở với sự "hẩm hưu" của nghề, một đại biểu cho biết: "Hiện đội ngũ luật sư phát triển khá đông, nhưng nhiều người lại không có việc. Các chủ doanh nghiệp ký kết rất nhiều hợp đồng buôn bán, hợp tác làm ăn... nhưng lại không mặn mà mời luật sư tham gia tư vấn pháp lý".
Nhìn nhận có thực trạng này, song có ý kiến cho rằng cũng nên khách quan nhìn lại chất lượng của luật sư, cũng như cách tiếp cận để mọi người hiểu về công việc của mình.
Theo đại diện Đoàn luật sư Hải Phòng, hiện số lượng luật sư phân bổ không đồng đều giữa các vùng. Luật sư chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP HCM, trong khi Đoàn ở Bắc Giang, Bắc Kạn, Kon Tum, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị... chỉ có 5-6 người tham gia.
“Luật sư ở các thành phố lớn rất đông nhưng chất lượng lại cào bằng. Nên chăng xếp loại luật sư? Nếu là người có tâm trong nghề thì phải phấn đấu để lên bậc chứ không để tình trạng luật sư vừa ra trường cũng bằng người có kinh nghiệm 20 năm hay tiến sĩ, thạc sĩ luật”, đại diện Đoàn Hải Phòng phát biểu.
Không đồng tình với gợi ý trên, ông Đào Ngọc Lý (Đoàn luật sư Hà Nội) nói: "Phân hạng như thế rất hài hước. Không phải luật sư hoạt động nhiều năm là giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn người mới vào nghề".
Nhiều luật sư cũng quan ngại nếu xếp hạng sẽ nảy sinh tiêu cực "chạy chọt", tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Bởi ai cũng thấy rõ, người được phân hạng cao chắc chắn sẽ có nhiều "công ăn việc làm".
Dù có nhiều tranh cãi về vấn đề trên nhưng đa số đại biểu lại tán thành việc tổ chức vinh danh, trao danh hiệu những luật sư có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghề cũng như trong xã hội.
Các ý kiến nêu tại hội thảo sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu để hoàn thiện Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư.
Anh Thư