19 trường hợp được miễn kiểm tra ATTP với hàng hóa nhập khẩu (Ảnh minh họa)
Theo đó, một trong các nội dung của Đề án là bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (Cải cách 6).
Áp dụng thống nhất các trường hợp miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực thẩm trên cơ sở tổng hợp các trường hợp miễn kiểm tra tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định 85/2019/NĐ-CP; bổ sung, mở rộng một số trường hợp miễn phù hợp với thực tiễn; công nhận, thừa nhận hàng hóa đã được kiểm tra tại nguồn, hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao.
Các trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm gồm:
(1) Tài sản di chuyển của tổ chức cá nhân trong định mức miễn thuế; quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế;
(2) Hàng hóa nhập khẩu trong định lượng miễn thuế theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác và sinh hoạt của cá nhân/tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao;
(3) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, từ nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài;
(4) Hàng hóa là mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng, hàng mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân;
(5) Hàng hóa tạm nhập để trưng bày hội chợ, triển lãm;
(6) Hàng hóa tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế;
(7) Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới trong định mức miễn thuế;
(8) Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
(9) Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ;
(10) Hàng nhập khẩu để sửa chữa, tái chế;
(11) Hàng nhập khẩu chuyên dùng cho mục đích an ninh, quốc phòng;
(12) Hàng hóa đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm);
(13) Hàng hóa là sản phẩm, nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu;
(14) Hàng hóa là sản phẩm, nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất của người nhập khẩu;
(15) Hàng hóa nhập khẩu là hàng đơn lẻ để bảo hành, thay thế; hàng hóa là bộ phận của dây chuyền thiết bị đồng bộ;
(16) Hàng hóa nhập khẩu từ nhà sản xuất đã được cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam kiểm tra tại nguồn, do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực công bố theo từng thời kỳ;
(17) Hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao thể hiện qua các nhãn chất lượng (ví dụ: hàng hóa được gắn nhãn CE, KC, FDA...) do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực công bố theo từng thời kỳ;
(18) Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
(19) Hàng hóa nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có).
Quyết định 38/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Châu Thanh