30/07/2012 11:04 AM

- Vấn đề thu phí cầu Bình Triệu 1 nhằm hoàn vốn cho dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 từng vấp phải nhiều ý kiến phản đối của các chuyện gia và lo ngại của sở Giao thông vận tải. Vì sao, việc thu phí thử nghiệm vẫn được tiến hành ?

LTS:  Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 được khởi công từ năm 2000 với “sứ mệnh” giải cứu ùn tắc khu vực phía Đông trong định hướng bổ sung hạ tầng giao thông hiện đại cho thành phố.

Trải qua 12 năm cùng 1 lần đổi chủ, dự án trọng điểm đã bị “chặt khúc” thành 7 tiểu dự án (5 tiểu dự án xây dựng, 2 tiểu dự án giải phóng mặt bằng). Mới đây, dư luận lại dấy lên thông tin lo ngại khi chủ đầu tư được phép thu phí thử nghiệm ngay tại chân cầu Bình Triệu 1, hành động được cho là có thể tạo ra thêm một nút “thắt cổ chai” thứ 2 dẫn đến nguy cơ ùn tắc.

Như VietNamNet đã thông tin, Sở giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã chính thức phát đi công văn thông báo kể từ sau 0h ngày 28/7 đến hết ngày 28/8, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) sẽ tiến hành thu phí thử nghiệm tại cầu Bình Triệu 1. Các thao tác nhận dạng, soát vé, đóng mở barie được thực hiện nhưng không thu phí.

Lo ngại tắc đường, kẹt xe…vì trạm thu phí  

Việc CII tiến hành thu phí thử nghiệm đã trải qua rất nhiều thời gian và cũng vấp phải không ít phản đối cũng như lo ngại của nhiều chuyên gia giao thông từ khi mới bắt đầu kiến nghị.

Từ tháng 8/2011, CII đã kiến nghị đặt thêm một trạm thu phí dưới chân cầu Bình Triệu 1 phía quậnThủ Đức, song song với trạm hiện hữu dưới chân cầu Bình Triệu 2 nhằm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2.

Cầu Bình Triệu đã từng kẹt xe kinh hoàng như thế này.

Vào thời điểm trước đó, xét theo quy hoạch, trạm thu phí phải được đặt trên quốc lộ 13 đoạn giữa cầu Đúc Nhỏ và cầu Ông Dầu (thuộc phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức). Tuy nhiên, do quận Thủ Đức chưa bàn giao được mặt bằng nên CII đã đề xuất đặt trạm ngay dưới chân cầu Bình Triệu 1.

Theo đánh giá của hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, việc đặt trạm thu phí cầu Bình Triệu như đã nêu ở trên khiến các doanh nghiệp vận tải rất lo ngại. Thông tư 90/2004/TT-BTC quy định rõ: Khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường phải có độ dài tối thiểu là 70 km.

Tuy nhiên, Việc đặt thêm một trạm ở cầu Bình Triệu 1 sẽ tạo ra một lịch trình dày đặc trạm thu phí vì từ Bến xe Miền Đông đi Bình Dương chưa đến 30 km nhưng có đến 3 trạm thu phí gồm: Bình Triệu 1 (TP.HCM), Vĩnh Phú và Suối Giữa (tỉnh Bình Dương).

Chưa kể, việc đặt trạm thu phí còn đẩy cao nguy cơ ùn tắc vì khu vực ngã tư Bình Triệu vốn là “điểm nóng” về kẹt xe do nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố và cắt ngang với tuyến đường sắt Bắc - Nam. Phía bên kia cầu lại là Bến xe Miền Đông với lượng xe khổng lồ của hơn 200 doanh nghiệp vận tải ra vào bến. Vào các ngày lễ, tết, số lượng xe có thể còn được tăng cường thêm.

Có thật sự hợp lý ?

Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 khởi công từ năm 2000 song đến nay vẫn còn dang dở. Từ năm 2004, chủ đầu tư cũ đã triển khai thu phí ở trạm cầu Bình Triệu 2 đối với luồng xe từ các tỉnh lân cận vào TP.HCM để hoàn vốn cho dự án.

Sau đó, chủ đầu tư mới là CII lại tiếp tục đề xuất thu phí chiều còn lại dưới chân cầu Bình Triệu 1 để có kinh phí triển khai tiếp, dù dự án mới chỉ hoàn thành thêm một tiểu dự án là nâng cấp cầu Bình Triệu 1.

Nếu cầu Bình Triệu 1 thu phí như cầu Bình Triệu 2, đoạn đường từ Bến xe Miền Đông đi Bình Dương chưa đến 30 km nhưng có đến 3 trạm thu phí

Luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “việc thu phí này đã vi phạm Pháp lệnh Phí và lệ phí, trong đó quy định “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ”.

“Đối với dịch vụ đường bộ là một loại dịch vụ đặc biệt, vì liên quan đến an toàn về sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân nên Nhà nước quy định tương đối chặt chẽ. Dự án cầu đường Bình Triệu 2 chưa hoàn thiện xong lại dựng trạm thu phí chẳng khác nào đưa ra thị trường một món hàng lỗi và bắt ép người dân phải mua”,luật sư Trường nói.

Theo ông Thái Văn Chung – Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM, theo thông tư 90 của Bộ Tài chính, chủ đầu tư đường bộ được quy định thu phí và tổ chức thu phí phải có đủ 4 điều kiện, trong đó có điều kiện “phải hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm chất lượng phục vụ giao thông tốt hơn trước khi thu phí”.

Do vậy, theo ông Chung, việc CII chưa hoàn thành dự án cầu đường Bình Triệu mà đề xuất đặt thêm trạm thu phí của CII có thể nói chưa hợp lý và hợp pháp mặc dù đã “chặt khúc” dự án ban đầu thành nhiều tiểu dự án.

Việc nhà đầu tư đã bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình và sau khi hoàn thành, tiến hành thu phí giao thông để thu hồi vốn là điều bình thường. Thế nhưng, theo ghi nhận của VietNamNet, hiện nút giao thông ngã năm Đài Liệt Sĩ- một trong các tiểu dự án do CII làm chủ đầu tư vẫn chưa được nâng cấp mở rộng theo thiết kế dù thường xuyên bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Minh Dũng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,091

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]