Tác giả bài viết, Stephanie Kleine-Ahlbrandt, là giám đốc dự án Đông Bắc Á của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế.
Bắc Kinh đã phản ứng quyết liệt trong một phép thử diễn ra ở bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines từ đầu tháng 4. Nhân việc Philippines dùng tàu chiến trong vụ việc liên quan tới tàu cá, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để khẳng định chủ quyền của họ với bãi cạn bằng cách triển khai các tàu thực thi pháp luật phi quân sự và cho phép chúng neo đậu lâu dài trong khu vực.
Bắc Kinh không ngại ngần dùng áp lực
kinh tế với Manila khi thắt chặt quy định nhập khẩu hoa quả nhiệt đới,
gây tổn thất khoảng 34 triệu USD cho Philippines.
Bắc Kinh cũng công bố hàng loạt quy định hàng hải mới bao trùm cả quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Khi những quy định ấy còn chưa
ráo mực, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”
nhằm thiết lập phạm vi quản lý với một khu vực rộng lớn kể cả những nơi
tranh chấp với Việt Nam và Philippines. Đầu tuần này, Bắc Kinh còn cho
phép bộ Tư lệnh quân sự Quảng Châu thành lập một đơn vị đồn trú ở “Tam
Sa”.
Cũng là một phần của hàng loạt hành động gây hấn, cuối tháng 6, Bắc Kinh
quyết định cho phép một trong những tập đoàn dầu khí nhà nước, CNOOC,
mời các công ty năng lượng nước ngoài bỏ thầu những dự án cùng thăm dò ở
nhiều phần trên Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Khi Trung Quốc ngày càng lấn lướt trong cuộc chơi, người ta hy vọng các
nước ASEAN sẽ thống nhất quan điểm về vấn đề tranh chấp. Nhưng sự thật
thì ngược lại. Tại cuộc gặp các ngoại trưởng khu vực diễn ra đầu tháng ở
Phnom Penh, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội làm yếu đi sự đoàn kết của tổ
chức này. Họ dùng ảnh hưởng khiến Campuchia, chủ tịch
luân phiên ASEAN, ngăn chặn cuộc thảo luận thực sự có ý nghĩa về tranh
chấp ở Biển Đông, thậm chí khiến lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm,
ASEAN không ra được tuyên bố chung.
Tàu khu trục số hiệu 560 của Trung Quốc đã mắc cạn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ảnh: Getty Images |
Ngay khi cuộc gặp ở Phnom Penh kết thúc đáng thất vọng, thì hàng loạt báo chí đã đưa tin về việc một tàu khu trục hải quân Trung Quốc mắc cạn gần bãi Trăng Khuyết - chỉ cách đảo chính Palawan của Philippines 110km. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, con tàu chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra thông thường mặc dù nơi mà nó mắc cạn hoàn toàn nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tàu khu trục này có khả năng là một phần các chuyến tuần tra theo như mô tả của người phát ngôn quân đội Trung Quốc là “sẵn sàng chiến đấu” ở Biển Đông.
Điều tàu quân sự tới vùng nước tranh chấp cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đã thay đổi từ việc sử dụng tàu thực thi pháp luật để phản ứng với những sự cố gần đây kiểu như ở bãi cạn Scarborough.
Cách tiếp cận trắng trợn hơn của Trung Quốc có thể được giải thích một phần bằng thực tế là, họ không hài lòng với những gì thu được từ sự thay đổi chiến thuật năm 2011 - đặt trọng tâm hơn vào ngoại giao biển tiếp theo những hành động quả quyết.
Chính trị trong nước cũng góp phần vào thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, khi công chúng hoang mang vì bê bối Bạc Hy Lai, thì sự cố ở bãi cạn Scarborough cung cấp cơ hội tiện lợi nhằm tạo ra sự phân tâm, đánh lạc hướng dư luận. Còn giờ đây, Trung Quốc một lần nữa không ngại ngần “khoe cơ bắp” trên biển, một phần cũng bởi thời gian chuyển giao lãnh đạo đã tới rất gần.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc nên cẩn thận vì những gì họ mong muốn. Một cách tiếp cận cứng rắn có thể dễ phản tác dụng. Nó khiến các nước trong khu vực lo ngại và tìm mọi cách “rào giậu” phòng thủ, tự bảo vệ trước một hàng xóm lớn hung hăng. Hơn thế nữa, các tranh chấp lãnh thổ thường đánh thẳng vào cảm giác chủ nghĩa dân tộc - công chúng nổi giận có thể gây áp lực với chính phủ trong những quyết định ngoại giao. Chính phủ Trung Quốc có thể tự mình mắc kẹt ở vị trí giữa sức ép khu vực, quốc tế và gánh nặng chủ nghĩa dân tộc trong nước.
Thái An (theo CNN)