Luật sư bào chữa tại phiên tòa |
Tập sự hành nghề LS là một giai đoạn quan trọng để người tập sự có thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn sau những gì đã được đào tạo trong trường học.
Tuy nhiên, với quy định của Luật LS hiện hành (người tập sự hành nghề LS được giúp LS hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp...) là chưa rõ ràng, gây những khó khăn nhất định cho người tập sự hành nghề LS. Do vậy, một trong những yêu cầu khi sửa đổi là quy định rõ những gì người hành nghề được làm.
Dự thảo Luật LS sửa đổi quy định: Người tập sự hành nghề LS được đi cùng với LS hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và các đương sự khác trong vụ án dân sự, hành chính khi được khách hàng đồng ý; giúp LS hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ việc và các hoạt động nghề nghiệp khác. Tuy nhiên, người tập sự hành nghề LS không được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đại diện cho khách hàng tại phiên tòa.
Người tập sự hành nghề LS được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của LS hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý, nhưng không được ký văn bản tư vấn pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Dương Ngọc Ngưu tán thành với những quy định bổ sung nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của tập sự hành nghề LS, nhưng ông cho rằng, không nên quy định LS tập sự được tham gia tố tụng vì có liên quan đến địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng làm LS tại phiên tòa.
Phân tích pháp luật về tố tụng, Đại tá Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng quy định “cấm” đối với người tập sự LS là hoàn toàn đúng theo tinh thần của Luật Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự. Quy định như Dự thảo đảm bảo tính nghiêm minh, chặt chẽ và chịu trách nhiệm trước luật.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII nhiều Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, người tập sự hành nghề LS chưa phải là LS nên không thể gọi là LS tập sự, việc quy định LS tập sự được tham gia tranh tụng tại phiên tòa là mâu thuẫn với hệ thống pháp luật về tố tụng hiện nay.
“Tập bơi trên cạn”?
Tuy nhiên, khác với luồng ý kiến ủng hộ một số quy định “cấm” với người tập sự hành nghề LS thì một số ý kiến khác lại cho rằng “đã tập sự mà lại không được tham gia hoạt động thì cũng giống như kiểu người đi học bơi mà không nhảy xuống nước thì làm sao biết bơi được”.
Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) “quy định như dự thảo luật chỉ mang tính nửa vời vì thực chất trong thời gian tập sự người hành nghề tập sự LS cũng chỉ làm những công việc không khác gì với thực tập trong quá trình đào tạo LS”.
Ông Hồng cũng cho rằng, việc quy định người tập sự hành nghề LS được cùng đi với LS hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo, người bị hại dễ dẫn đến gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là hoạt động của cơ quan điều tra.
Một số ý kiến đồng tình với ông Hồng và cho rằng, muốn việc hành nghề của LS có chất lượng thì phải tạo thêm nhiều cơ hội cho họ cọ sát với thực tiễn. LS là nghề đặc thù, nếu thiếu kỹ năng thì sẽ không thể hành nghề tốt.
LS muốn hành nghề tốt phải có kỹ năng, kỹ năng diễn thuyết, ứng xử, giải quyết tình huống... và muốn có kỹ năng thì phải được tập dượt qua thực tiễn, đó chính là các phiên tòa nếu không sẽ “bơi trên cạn”. Vì thế, nên quy định cho người tập sự hành nghề LS được được bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự, đại diện cho khách hàng tại phiên tòa, nhưng quy định rõ họ được làm việc này dưới sự hướng dẫn, kiểm soát, bảo đảm của LS hướng dẫn, được LS hướng dẫn cho phép.
Tuy nhiên, khi ra tòa, người tập sự phát biểu hay tranh luận là nhân danh LS hướng dẫn, giống như anh ta là người phát ngôn của LS hướng dẫn chứ không phải là quan điểm của cá nhân.
Còn việc người tập sự hành nghề không được ký văn bản tư vấn pháp luật tôi hoàn toàn ủng hộ vì không có cơ sở pháp lý nào để họ được đứng ra ký.