CôngThương - Nhiều đổi mới
Kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XIII dự kiến diễn ra trong 26 ngày (từ 22/10 – 22/11/2012) với nhiều nội dung quan trọng và nhiều đổi mới trong cơ chế làm việc để thuận lợi cho nhân dân và cử tri cả nước theo dõi, giám sát.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quôc hội (QH) – thay vì Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ lần lượt báo cáo về kết quả thực hiện các lời hứa trước cử tri trong các kỳ họp trước, tại kỳ họp này, một Phó Thủ tướng sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo chung.
“Trong báo cáo đó, ngoài nội dung tự đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các lời hứa trước cử tri của các thành viên Chính phủ, Chính phủ cũng có ý kiến riêng của mình” – Ông Phúc nhấn mạnh và cho biết thêm: “Kết quả thực hiện lời hứa trước cử tri sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ tín nhiệm khi lấy phiếu tín nhiệm của từng thành viên Chính phủ. Theo quy định, nếu liên tục trong 2 năm, những người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn không đạt trên 50% số phiếu thì sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá”.
Dự kiến, ngay sau phiên khai mạc, QH sẽ nghe Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ bởi đây là một trong những vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của kỳ họp, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát kết quả hoạt động của QH, Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tại kỳ họp này, sẽ có tới 13 buổi làm việc được phát thanh hoặc truyền hình trực tiếp thay vì chỉ có 5 buổi như những kỳ họp trước.
QH sẽ dành 2,5 ngày làm việc cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. “Danh sách các thành viên Chính phủ được chất vấn và trả lời chất vấn hiện chưa được quyết định mà căn cứ trên cơ sở lấy ý kiến của các đại biểu QH trong thời gian diễn ra kỳ họp” - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Các cơ quan báo chí nước ngoài quan tâm đặc biệt tới Kỳ họp thứ IV, QH XIII
Trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật
Thông báo tới các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH) Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: “Trong 26 ngày làm việc của Kỳ họp thứ IV, cùng với việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác giám sát… Quốc hội sẽ dành khá nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật”.
Theo đó, QH sẽ dành 16 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật và 2 nghị quyết. Ngoài ra, QH cũng cho ý kiến về dự thảo sử đổi Hiến pháp năm 1992 và 6 dự án luật khác. Trong đó, có các dự án luật quan trọng như: Luật dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sử đổi); Luật Suất bản (sử đổi); Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)…
“Luật đất đai (sửa đổi) cũng sẽ được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này và sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 5 dự kiến diễn ra vào tháng 6/2013” – ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết.
Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong kỳ họp này là, QH sẽ ra nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Sau khi QH thông qua, Nghị quyết này sẽ được áp dụng từ năm 2013.
Nội dung sửa Hiến pháp cũng được QH cho ý kiến tập trung vào các vấn đề như: các chương về chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước... Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp (1992). Nội dung lấy ý kiến nhân dân là về toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
“Công tác này dự kiến thực hiện khoảng 3 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2013, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 3. Các ý kiến sẽ được tổng hợp, tiếp thu hoàn chỉnh để trình ra tại kỳ họp Quốc hội tới” – ông Dũng cho biết.
Về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát tối cao, tại kỳ họp này, QH sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để nghiên cứu, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, có Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2013 và Báo cáo về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Ngoài ra, QH cũng nghe, thảo luận các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, UB Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo công tác của UB Thường vụ QH… QH cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của QH năm 2013.
Theo Tinmoi.vn