Đầu tư y tế: lẫn lộn công - tư

28/11/2012 16:38 PM

TT - Đầu tư công cho y tế ở VN chỉ 75 USD/người/năm, bằng... 1/20 so với Singapore, bằng 1/2 so với Thái Lan, nên đang có rất nhiều hệ lụy liên quan đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết như vậy tại hội thảo lần 2 về tài chính y tế, được Bộ Y tế và Hội Kinh tế y tế VN tổ chức trong hai ngày 27 và 28-11 tại Hà Nội.

Vốn tư nhân trong bệnh viện công

Theo ông Tuấn, đầu tư tư trong bệnh viện công xuất hiện ở hai hình thức: góp vốn mua sắm trang thiết bị và mở các khoa - phòng khám chữa bệnh theo yêu cầu. Dù không có chủ trương cổ phần hóa các bệnh viện công lập hiện có, nhưng thực tế các thiết bị y tế có vốn tư nhân xuất hiện trong bệnh viện công ngày càng nhiều. Có thể kể đến các máy PET CT ở Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, máy chụp CT 256 lát cắt và hầu hết máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp CT scanner ở Bệnh viện Bạch Mai. Thiết bị y tế có vốn của các nhà đầu tư tư nhân cũng xuất hiện ở tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí ở tuyến huyện của các khu vực đông dân cư.

“Thực tế hoạt động ở các bệnh viện công đang rất cần quy định pháp lý, về sử dụng nhà đất của các bệnh viện công để liên doanh liên kết hoặc xây dựng các khu điều trị theo yêu cầu, tránh lẫn lộn tài sản công, tư” - ông Tuấn đánh giá. Ông Tuấn còn cho rằng hoạt động của các khoa khám bệnh theo yêu cầu, vốn tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh có khả năng chi trả, thực chất cũng là hình thức cung cấp dịch vụ của tư nhân trong bệnh viện công, dễ dẫn đến tiêu cực như sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho hoạt động tư, nghiêm trọng hơn là dẫn đến khuynh hướng biến bệnh viện công thành bệnh viện tư.

Trao đổi bên lề hội thảo, ông Lưu Hoài Chuẩn - Hội Kinh tế y tế VN - cho rằng hình thức đầu tư tư vào bệnh viện công “nói có vẻ hay”, nhưng thực chất là hình thức góp vốn để chia lãi, nên rất dễ dẫn đến lạm dụng dịch vụ, thuốc, thiết bị, vật tư y tế đắt tiền, tạo mâu thuẫn trong cặp “giá trị - giá cả” khi khám chữa bệnh. Chẳng hạn như bệnh ấy chỉ tốn món tiền x, nhưng do có mục tiêu chia lãi, càng lãi nhiều càng mừng, nên có khi người bệnh phải trả thêm các dịch vụ không cần thiết.

Nghèo vì chữa bệnh

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế công bố tại hội thảo, dựa trên số liệu thống kê từ 84 bệnh viện, nhóm nghiên cứu đã tính toán chi phí một ngày điều trị nội trú ngoại khoa (tính trên tổng thu viện phí ở tuyến tỉnh và trung ương) là 47,5 USD. Ở các bệnh viện có tính khấu hao tài sản và trang thiết bị, một ngày điều trị nội trú ngoại khoa chi phí 101,72 USD/bệnh nhân; với điều trị nội khoa, chi phí là 20,08 USD/ngày/bệnh nhân. Trong số này, người bệnh sẽ phải chi trả từ tiền túi 44,64-77,92% chi phí.

Nhóm nghiên cứu ước tính ảnh hưởng của chi trả viện phí cho thấy sau một đợt điều trị nội trú ngoại khoa ở tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh, hoặc một đợt điều trị nội trú nội khoa ở tuyến trung ương sẽ ngay lập tức đẩy hộ gia đình cận nghèo không có bảo hiểm y tế hoặc nguồn chi trả gián tiếp khác xuống nhóm hộ nghèo.

Theo tính toán của Bộ Y tế công bố tại hội thảo, khoảng 47% chi phí y tế hiện nay do người dân tự chi trả, chứng minh sự bất công trong tiếp cận dịch vụ y tế. Theo ông Chuẩn, kể cả nhóm đã có bảo hiểm y tế, khi đi khám chữa bệnh vẫn phải cùng chi trả các dịch vụ ngoài danh mục bảo hiểm y tế. Nếu kết hợp với tình trạng lạm dụng dịch vụ, thuốc men do công - tư lẫn lộn thì phần chi trả từ tiền túi người dân sẽ lên rất cao.

LAN ANH

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,727

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]