Ảnh minh họa |
Trong số các địa phương trên, đã có 21 tỉnh, thành phố thực hiện, có kế hoạch thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp này với số vốn để dự trữ hàng hóa khoảng 1.176,8 tỷ đồng.
Danh mục các mặt hàng được bình ổn giá gồm những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán như: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, bánh mứt, lạp xưởng và bột ngọt…
Các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình này là những doanh nghiệp có quy mô hoạt động rộng lớn, có thị phần lớn và có uy tín tại các địa phương.
Các sản phẩm tham gia bình ổn giá phải đảm bảo các điều kiện về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và phải đảm bảo thấp hơn giá thị trường từ 5 – 15%.
Mức hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình từ 0 – 0,3% (tùy từng nguồn vay vốn).
Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, về công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2013, Bộ Tài chính sẽ thành lập các đoàn đi nắm bắt, kiểm tra thị trường vào cuối năm và dịp trước Tết Quý Tỵ, dự kiến sẽ kiểm tra cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, những địa phương được quan tâm là các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó, các tỉnh khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng được đặc biệt quan tâm, nắm bắt kịp thời về tình hình giá cả thị trường để tăng cường hàng hóa bình ổn giá phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn.
Cục Quản lý Giá sẽ phối hợp để nắm bắt tình hình dự trữ hàng hóa để thực hiện bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, mặt khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát tránh các doanh nghiệp đầu cơ găm hàng, gây ra hiện tượng sốt giá. Bộ Tài chính khẳng định việc kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thanh Hằng