UBND Hà Nội: Không để xảy ra tình trạng kinh doanh xăng dầu tự phát (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Cơ quan thường trực ban hành Công văn 999/CQTT-KT-PHLN ngày 05/11/2022 về tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Công văn 999/CQTT-KT-PHLN |
Theo đó, UBND Hà Nội đề nghị Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố không để xảy ra tình trạng kinh doanh xăng dầu tự phát, cụ thể:
UBND Thành phố ban hành văn bản 3694/UBND-KTN ngày 04/11/2022 về việc thực hiện Công điện 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Những ngày vừa qua, lợi dụng nhu cầu mua xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao, xuất hiện tình trạng mua bán xăng dầu qua các bình, can, chai, lọ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng tại một số điểm bán xăng dầu tự phát trên một số tuyến đường trên địa bàn Thành phố, gây bất ổn thị trường xăng dầu, có nguy cơ cao gây ra cháy nổ, mất an ninh trật tự, mất cảnh quan đường phố và an toàn giao thông cho người đi đường.
Để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng trên và thực hiện có hiệu quả Công điện 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đề nghị các sở, ngành có liên quan và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Nhiệm vụ của Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội
Tăng cường công tác quản lý địa bàn, phân công công chức giám sát thường xuyên tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố:
- Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình;
- Kiểm tra việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết;
- Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, giãn, giảm số lượng, thời gian bán hàng hoặc đóng cửa hàng, tạm ngừng kinh doanh không đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu;
- Để trục lợi, kinh doanh xăng dầu không rõ nguồn gốc, vi phạm về đo lường, chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác.
2. Nhiệm vụ của Công an thành phố Hà Nội
Chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã nắm tình hình, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về xăng dầu;
Phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và các lực lượng chức năng có liên quan xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về xăng dầu theo quy định, kiên quyết xử lý tình trạng kinh doanh xăng dầu tự phát qua các chai, lọ, bình can trên một số tuyến đường, góp phần đảm bảo an ninh trật tự thị trường xăng dầu và công tác an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông cho người đi đường.
3. Nhiệm vụ của Sở Công Thương
- Thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn Hà Nội, chủ động phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường; phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng; thực hiện thu hồi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đối với những cửa hàng vi phạm theo quy định.
4. Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, đóng mở của các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quản lý; chủ động vào cuộc quyết liệt nhằm giải quyết triệt để hoạt động bán xăng dầu tự phát bằng các chai, lọ, bình, can trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý;
- Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng kinh doanh xăng dầu trái phép (các điểm bán xăng dầu tự phát) nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường xăng dầu, có nguy cơ cao gây ra cháy nổ, mất an ninh trật tự, cảnh quan đường phổ và an toàn giao thông cho người đi đường.
- Thành lập ngay các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đảm bảo thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về kinh doanh xăng dầu;
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, giảm thời gian bán hàng, tạo khan hiếm xăng dầu trên địa bàn để trục lợi.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các hành vi kinh doanh xăng dầu không rõ nguồn gốc cũng như cảnh báo cho người dân các nguy cơ từ xăng dầu giả, kém chất lượng có nguy cơ gây cháy nổ và mất an toàn.
Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố đề nghị các sở, ngành có liên quan và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên.
Xem chi tiết tại Công văn 999/CQTT-KT-PHLN ban hành ngày 05/11/2022
Ngọc Nhi