Hướng dẫn lập danh sách người có uy tín trong dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2027

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
11/11/2022 17:03 PM

Xin cho tôi hỏi việc lập danh sách người có uy tín trong dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2027 được hướng dẫn như thế nào? - Trường Tín (Gia Lai)

Hướng dẫn lập danh sách người có uy tín trong dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2027

Hướng dẫn lập danh sách người có uy tín trong dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2027 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 07/11/2022, Ủy ban Dân tộc có Công văn 1881/UBDT-DTTS về việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Theo đó, để tiếp tục thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, giao Cơ quan công tác dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan triển thực hiện một số nội dung sau:

Hướng dẫn lập danh sách người có uy tín trong dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2027

Cụ thể việc lập, phê duyệt danh sách người có uy tín trong dân tộc thiểu số  giai đoạn 2023-2027 được thực hiện như sau:

- Đối với các thôn thuộc xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực sự cần thiết phải có người có uy tín, tiến hành bình chọn, phê duyệt danh sách người có uy tín giai đoạn 2023-2027 theo quy định tại Quyết định 12/2018/QĐ-TTg.

- Đối với với các thôn không thuộc xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên theo quy định tại Nghị quyết 28/NQ-CP năm 2020 và khoản 2 Điều 2 Quyết định 33/2020/QĐ-TTg, căn cứ vào yêu cầu thực tế cần phải có người có uy tín, UBND cấp xã lập danh sách đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét công nhận người có uy tín của thôn theo quy định tại Quyết định 12/2018/QĐ-TTg.

- Về thủ tục bình chọn, công nhận và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín:

Hiện nay Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Điều, Khoản về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín của Quyết định 12/2018/QĐ-TTg để thực hiện phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đối với người có uy tín theo Quyết định 1015/QĐ-TTg năm 2022 (tại Phụ lục số XXI ban hành kèm Quyết định).

Do vậy, khi chưa có Quyết định sửa đổi, bổ sung của Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện việc bình chọn, công nhận người có uy tín trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 6 Quyết định 12/2018/QĐ-TTg.

Xây dựng kế hoạch thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong dân tộc thiểu số

Theo đó, các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn theo quy định Quyết định 12/2018/QĐ-TTg và các hoạt động quy định trong Nội dung số 01 Tiểu dự án 10.1 của Dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1719/QĐ-TTg năm 2021 phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn kinh phí được giao.

Trường hợp có tổ chức Đoàn đại biểu người có uy tín đi thăm quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh thì khi đó thực hiện theo Quy định đón tiếp các Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số đến thăm, làm việc tại cơ quan Ủy ban Dân tộc.

Nội dung cụ thể như sau:

- Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch năm của địa phương tổ chức các Đoàn đi thăm quan, học tập kinh nghiệm trong, ngoài tỉnh gửi Ủy ban Dân tộc trước ngày 31/3 hằng năm để tổng hợp;

Nội dung kế hoạch phải có các thông tin sau đây: số lượng Đoàn, thành phần, cơ quan chủ trì, thời gian và chương trình tổ chức các Đoàn,...

- Khi có kế hoạch tổ chức Đoàn đến thăm, làm việc với Ủy ban Dân tộc, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh là đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan gửi văn bản đề nghị tới Ủy ban Dân tộc trước 15 ngày dự kiến Đoàn đến làm việc để Ủy ban Dân tộc tổng hợp, xây dựng kế hoạch đón tiếp theo quy định.

Văn bản đề nghị cần ghi rõ thông tin về Đoàn bao gồm: Trưởng Đoàn, Phó Đoàn, thành phần, số lượng thành viên trong Đoàn và các thông tin chính: năm sinh, dân tộc, chức vụ/cơ quan công tác/địa chỉ cư trú,...), điện thoại liên hệ; thời gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu, nội dung, chương trình đề nghị đón tiếp, làm việc để Ủy ban Dân tộc tổng hợp, xây dựng kế hoạch đón tiếp theo quy định.

Xem thêm tại Công văn 1881/UBDT-DTTS ngày 07/11/2022.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,288

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]