Quỹ tích lũy trả nợ là gì? Các khoản thu, chi của Quỹ tích lũy trả nợ
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 56 Luật Quản lý nợ công 2017, Quỹ tích lũy trả nợ là quỹ được Chính phủ thành lập nhằm bảo đảm khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và dự phòng rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ.
Trong đó, việc quản lý Quỹ tích lũy trả nợ phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Bảo đảm thu đúng, thu đủ và sử dụng nguồn vốn của Quỹ tích lũy trả nợ theo quy định Luật Quản lý nợ công 2017;
- Bảo đảm tính thanh khoản, an toàn, bảo toàn và phát triển nguồn vốn của Quỹ tích lũy trả nợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ tích lũy trả nợ;
- Thực hiện công tác kế toán, kiểm toán và công khai tài chính theo quy định của pháp luật.
(Khoản 2 Điều 56 Luật Quản lý nợ công 2017)
Cụ thể tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 92/2018/NĐ-CP, các khoản thu của Quỹ tích lũy trả nợ bao gồm:
- Thu hồi nợ cho vay lại (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt và các khoản phí).
- Thu dự phòng rủi ro đối với khoản cho vay lại.
- Thu phí quản lý cho vay lại (phần Bộ Tài chính được hưởng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ).
- Phí bảo lãnh và lãi phạt chậm trả đối với khoản phí bảo lãnh (nếu có).
- Thu hồi các khoản ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ.
- Thu từ nghiệp vụ cơ cấu lại nợ, danh mục nợ.
- Thu lãi tiền gửi, cho vay, ủy thác quản lý vốn và đầu tư của Quỹ.
- Các khoản thu hợp pháp khác.
Các khoản chi của Quỹ tích lũy trả nợ bao gồm các khoản sau đây:
(i) Chi trả nợ nước ngoài (gốc, lãi), phí (nếu có) đối với khoản vay về cho vay lại. Trường hợp ngân sách nhà nước đã ứng nguồn chi trả nợ nước ngoài, Quỹ tích lũy trả nợ có trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước phần đã ứng.
(ii) Ứng vốn để trả nợ nước ngoài đối với các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(iii) Chi xử lý rủi ro theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(iv) Chi nghiệp vụ quản lý nợ công từ nguồn thu phí quản lý cho vay lại, phí bảo lãnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc không trùng lắp với dự toán chi thường xuyên được ngân sách nhà nước đảm bảo.
(v) Sau khi cân đối sử dụng cho các khoản chi quy định tại (i) ,(ii), (iii), (iv), Quỹ tích lũy trả nợ được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách nhà nước vay, đầu tư vốn nhàn rỗi, mua trái phiếu Chính phủ theo quy định Luật Quản lý nợ công 2017 và quy định tại Nghị định 92/2018/NĐ-CP.
(Khoản 2 Điều 7 Nghị định 92/2018/NĐ-CP)
Theo Điều 4 Nghị định 92/2018/NĐ-CP, công tác quản lý và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau đây:
- Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn, thanh khoản và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Quỹ tích lũy trả nợ.
- Gắn kết quản lý Quỹ tích lũy trả nợ với quản lý nợ công, đảm bảo khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và xử lý rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh chính phủ.
- Mọi khoản chi từ Quỹ tích lũy trả nợ được thực hiện căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, thỏa thuận vay nước ngoài, hợp đồng ký giữa Bộ Tài chính và bên nhận nguồn vốn từ Quỹ tùy theo tính chất và đặc điểm của từng khoản chi quy định tại Nghị định 92/2018/NĐ-CP.