“Vòng vo tam quốc”
“VN có chín di tích là di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới, Thái Lan chỉ có ba, Malaysia chỉ có hai, Singapore không có di sản nào. Theo bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, ngành du lịch VN xếp thứ 80/139 quốc gia, trong khi Malaysia là thứ 35, Thái Lan là 41 và Singapore là thứ 10. Xin hỏi bộ trưởng đâu là nguyên nhân chính và giải pháp chính để khắc phục?” - đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) hỏi. Cũng chất vấn về trách nhiệm và giải pháp, đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) nêu ví dụ: “Vẫn có những biểu hiện như cảnh chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” vào các đối tượng du lịch, kể cả người nước ngoài và người trong nước”.
Trả lời, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh viện dẫn rất dài các nội dung, biện pháp, mục tiêu trong chiến lược phát triển du lịch VN và quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch. “Thật ra chúng tôi chưa hài lòng với tăng trưởng hiện nay, đáng lẽ du lịch VN còn có nhiều tiềm năng. Tôi nhớ hồi năm 1990 chỉ có khoảng 100.000 khách quốc tế và 1 triệu khách nội địa, đến bây giờ năm 2012, như Thủ tướng đánh giá, Tổng bí thư đánh giá, là phải đầu tư vào nông nghiệp và du lịch, trở thành điểm sáng của nền kinh tế...” - ông Tuấn Anh nói. Rồi ông cho biết đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng khoảng 10 tỉ đôla, đầu tư trong nước khoảng 300.000 tỉ đồng với khoảng 1.000 dự án. Rồi ông kể chuyện đến dự festival biển ở Khánh Hòa, được vào nghỉ khách sạn 1.200 phòng có vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng của nhà đầu tư trong nước và đến Lăng Cô (Huế) ở khách sạn được đầu tư 1 tỉ đôla... Phần trình bày của bộ trưởng không ít lần bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt giữa chừng và nêu lại câu hỏi của đại biểu: “Bộ trưởng trình bày “đường bay” nhiều nên dài quá, bộ trưởng nói gọn lại...”.
Về tình trạng “chặt chém”, chèo kéo du khách, ông Tuấn Anh nêu các nguyên nhân: sự phối hợp liên ngành chưa tốt; kiểm tra, giám sát những điểm du lịch có nguy cơ mất trật tự, “chặt chém” du khách chưa tốt; các văn bản liên quan để xử lý vi phạm, các mức độ xử phạt còn nhẹ... “Tóm lại là chúng ta có tình trạng đó, cần cấp bách xử lý, nhưng tình trạng đó không phải phổ biến, du lịch VN vẫn có một hình ảnh tốt trong mắt du khách” - bộ trưởng nói.
Không đồng tình với trả lời của bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) dẫn chứng: “Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ các địa bàn trọng điểm du lịch có môi trường thiếu văn minh, thiếu an toàn, có hiện tượng chèn ép khách du lịch, bán hàng rong, ăn xin, bán vé số... Nhất là vào mùa du lịch cao điểm, các hiện tượng này thường xuyên tiếp diễn, để lại ấn tượng không tốt về môi trường du lịch và ảnh hưởng đến hình ảnh của VN”. Đại biểu Cương đặt vấn đề về sự khác nhau trong nhận định của phó thủ tướng và bộ trưởng. Ông Tuấn Anh đáp: “Có nơi này nơi kia, nhưng không phải nơi nào cũng có. Đà Nẵng, Hội An không có “chặt chém”, tôi hỏi đồng chí bí thư Ninh Thuận, đồng chí khẳng định không có. Nhưng nơi này nơi kia, như Thanh Hóa vừa rồi chúng tôi chỉ đạo xử lý nghiêm. Không phải 63 tỉnh, thành đều có chặt chém”.
Hòn đá lạ: tâm linh hay mê tín?
Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) hỏi cụ thể: “Vừa qua có thông tin về hòn đá lạ đặt ở đền Hùng. Hòn đá này đã được mang ra khỏi đền, nhưng lại có thông tin là trên hòn đá có vẽ đạo bùa và các nhà nghiên cứu tâm linh đang bàn cãi xem đây là đạo bùa tốt hay đạo bùa xấu. Xin hỏi bộ trưởng, nếu tin là đạo bùa tốt hoặc đạo bùa xấu thì đó là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian hay mê tín dị đoan? Hiện nay ở các điểm tham quan tín ngưỡng, tôn giáo có rất nhiều tiền lẻ loại 500, 1.000, 2.000 đồng và 5.000 đồng được bày bán công khai cùng với các loại vàng mã dùng để cúng bái, ở mỗi điểm đều có rất nhiều thùng công đức và cả một lò lớn dùng để đốt vàng mã. Theo bộ trưởng, những việc trên có hợp pháp không?”.
Bộ trưởng đáp: “Đây là hòn đá do cá nhân cung tiến, có nhiều chữ viết khó hiểu, được ban quản lý di tích cho đặt vào. Chúng tôi đã chỉ đạo đưa hòn đá ra khỏi đền Hùng. Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt, mọi tôn tạo, sửa chữa đều phải có ý kiến của bộ, nếu địa phương xin ý kiến của bộ về đặt hòn đá thì bộ sẽ thành lập hội đồng thẩm định, chắc chắn sẽ không xảy ra việc đáng tiếc”.
Trả lời về tiền lẻ được bày bán công khai ở các điểm tham quan tín ngưỡng, ông Tuấn Anh nói: “Kiểm tra nhiều di tích thấy hòm công đức đặt quá nhiều, tạo cảm giác không dễ thương, mềm mại lắm trong lòng du khách. Chúng tôi đã vận động các di tích đặt mỗi nơi 2-3 hòm công đức thôi, nhưng còn một số nơi vẫn đặt nhiều. Về dịch vụ đổi tiền lẻ tại các di tích thì Ngân hàng Nhà nước VN đã có văn bản gửi các địa phương, khẳng định việc đổi tiền lẻ không được cấp phép là vi phạm pháp luật. Việc đổi, rải tiền lẻ cũng không phù hợp thuần phong mỹ tục của văn hóa VN”.
150 triệu đôla và tương lai tươi sáng
Đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) hỏi: “Tôi được biết kinh phí dành cho Asiad 2019 khoảng 150 triệu đôla, tương đương hơn 3.000 tỉ đồng. Tôi cho rằng đây là một khoản kinh phí khá lớn với một đất nước đang khó khăn trong phát triển kinh tế như nước ta hiện nay. Vào cuối năm 2012, khi họp báo thông tin về Asiad bộ còn thông tin khả năng trượt giá tăng thêm 30%, xin hỏi bộ trưởng thực hư về điều này? Trong bối cảnh đất nước khó khăn vậy mà chúng ta phải đầu tư cho hoạt động Asiad liệu có lãng phí không?”.
Bộ trưởng Tuấn Anh đáp: “Chúng tôi thấu hiểu tình hình kinh tế đất nước. Nhưng như chúng tôi nói, đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, đặc biệt là thể thao. Chi 150 triệu USD cho mục tiêu dài hạn. Tới đây VN có thể đăng cai Olympic quốc tế. Tôi có sự tin tưởng vững chắc vào tương lai chứ không phải lạc quan tếu. Tôi vừa tiếp một bộ trưởng Anh, tôi hỏi Hà Nội thế nào, ông ấy bảo Hà Nội đẹp lắm...” (đại biểu cười ồ lên trong khi bộ trưởng vẫn say sưa trình bày).
Lê Kiên
Du lịch VN có ngang tầm khu vực được không? * Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Du lịch của chúng ta phát triển chưa đúng với tiềm năng, nhất là so với một số nước như Thái Lan, tiềm năng của họ kém hơn nhưng du lịch của họ lại phát triển hơn. Ta có khắc phục được tình hình đó không, năm 2020 có khắc phục được không? - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Tiềm năng du lịch VN thì lớn, để tiềm năng trở thành hiện thực là cả một quá trình, kể cả về tích lũy kinh nghiệm, kể cả về nâng cao nhận thức của mọi người đối với du lịch. Tôi nói ví dụ “chặt chém” thế này thì vấn đề mình đặt ra là người dân ở đó thế nào, công tác tuyên truyền, quảng bá ở đó ra sao. Thanh Hóa vừa rồi có chiến dịch bàn tay sắt, họ xử lý hàng loạt cán bộ ở đó. Họ có đường dây nóng của công an, lực lượng quản lý thị trường, môi trường, nếu có vấn đề gì là họ gọi điện, nhân dân người ta thành lập hiệp hội chống “chặt chém”. Đó là vấn đề nhận thức và hành động của chúng ta... * Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Hôm nay đồng chí nói dứt điểm, đến năm 2020 theo chiến lược phát triển 10 năm của ngành du lịch thì du lịch VN có ngang tầm khu vực được không? - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Trong chiến lược du lịch thì năm 2015 du lịch VN trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... * Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Ta đang so sánh với các nước, tiềm năng lớn là mình, họ tiềm năng nhỏ hơn mình. Vậy thì đến năm 2020 tiềm năng ta phát huy và làm du lịch ta ngang tầm với Thái Lan, Malaysia được không? - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Báo cáo với Chủ tịch, hiện nay Malaysia là 24 triệu lượt khách, Thái Lan 24 triệu lượt khách, Singapore 14 triệu lượt khách và Indonesia 7,5 triệu lượt khách, chúng ta năm vừa rồi có 6,8 triệu, năm 2020 trong chiến lược phát triển của chúng ta phấn đấu 10-10,5 triệu lượt khách, còn hiện nay chúng ta phấn đấu đến năm 2015 thì 7-7,5 triệu lượt khách, nhưng năm 2012 chúng ta đạt 6,8 triệu lượt rồi. * Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Thế là rõ rồi. Như vậy là mình không ngang tầm được phải không? - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Như chúng tôi đã trình bày, chúng ta có tiềm năng rất lớn nhưng để biến tiềm năng trở thành hiện thực đòi hỏi phải phấn đấu nhiều, nỗ lực nhiều, không phải chỉ với tư cách là tư lệnh của ngành mà trong đó có sự chung tay góp sức của người dân, của chính quyền các cấp và đặc biệt là các doanh nghiệp. Mình đề ra chỉ tiêu mà không thực hiện được cũng không nên. |