Có thể dùng tài khoản định danh điện tử để đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử (Đề xuất) (Hình từ Internet)
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 105/2020/TT-BTC về đăng ký thuế và Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (gọi tắt là dự thảo Thông tư).
Theo đó, trong dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính đã đưa ra một số đề xuất như sau:
Theo đó, dự thảo Thông tư đề xuất bổ sung điểm b.3 khoản 1 Điều 10 của Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế như sau:
Đối với người nộp thuế là cá nhân đã đăng ký và kịch hoạt tài khoản định danh điện tử Mức độ 2 theo quy định tại khoản 2 Điều 14, khoản 2 Điều 15 và Điều 18 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử;
Đồng thời hệ thống định danh, xác thực điện tử và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế đã được kết nối, vận hành thì người nộp thuế là cá nhân được sử dụng tài khoản định danh điện tử để tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký, cấp tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử theo các bước công việc tại điểm b.1 khoản 1 Điều 10 Thông tư 19/2021/TT-BTC;
Yêu cầu gửi kịch hoạt tài khoản giao dịch điện tử cho người nộp thuế là cá nhân được gửi qua số điện thoại đã đăng ký hoặc email đã đăng ký.
Tài khoản giao dịch thuế điện tử là tên và mật khẩu đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế khi thực hiện các giao dịch thuế điện tử được cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế. Tài khoản giao dịch thuế điện tử bao gồm 01 (một) tài khoản chính và tối đa không quá 10 (mười) tài khoản phụ. Cụ thể: - Tài khoản chính được cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế theo quy định tại Điều 10 Thông tư 19/2021/TT-BTC. - Tài khoản phụ do người nộp thuế tự đăng ký thông qua tài khoản chính để phân quyền thực hiện theo từng dịch vụ thuế điện tử. (Khoản 4 Điều 3 Thông tư 19/2021/TT-BTC) |
* Đối với công dân Việt Nam:
- Đối với công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử:
Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử.
Công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.
Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
- Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân với trường hợp công dân chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử.
(Khoản 2 Điều 14 Nghị định 59/2022/NĐ-CP)
* Đối với người nước ngoài
- Người nước ngoài đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử, xuất trình Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, cung cấp thông tin địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
- Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin người nước ngoài cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của người nước ngoài đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.
- Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh gửi yêu cầu cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.
- Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
(Khoản 2 Điều 15 Nghị định 59/2022/NĐ-CP)
Xem thêm tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 105/2020/TT-BTC về đăng ký thuế và Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.