Đề xuất trình tự phê duyệt biên chế công chức 5 năm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
12/05/2023 13:15 PM

Trình tự phê duyệt biên chế công chức 5 năm và nội dung kế hoạch biên chế công chức 5 năm là các nội dung quan trọng đáng chú ý tại Dự thảo Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề xuất trình tự phê duyệt biên chế công chức 5 năm

Đề xuất trình tự phê duyệt biên chế công chức 5 năm (Hình từ internet)

Dự thảo Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề xuất trình tự phê duyệt biên chế công chức 5 năm

Theo đó, trình tự phê duyệt biên chế công chức 5 năm được quy định tại Điều 11 Dự thảo Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

 (1) Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, ngành, địa phương căn cứ: Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm, trừ vị trí việc làm hỗ trợ phục vụ; Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; Thực tế việc sử dụng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao (Đối với cơ quan, tổ chức hành chính ở địa phương còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội) để xây dựng kế hoạch biên chế công chức 5 năm của cơ quan, tổ chức mình, gửi cơ quan, tổ chức quy định tại Mục (2), Mục (3).

(2) Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành thẩm định kế hoạch biên chế công chức 5 năm của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý của bộ ngành; tổng hợp, lập kế hoạch biên chế công chức 5 năm của bộ, ngành trình người đứng đầu để gửi Bộ Nội vụ.

(3) Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của địa phương thẩm định kế hoạch biên chế công chức 5 năm của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương; tổng hợp, lập kế hoạch biên chế công chức 5 năm của địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi cơ quan có thẩm quyền của Đảng ở địa phương cho ý kiến trước khi gửi Bộ Nội vụ.

(4) Bộ Nội vụ thẩm định kế hoạch biên chế công chức 5 năm của từng bộ, ngành và tổng hợp kế hoạch biên chế công chức 5 năm của địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế. Căn cứ số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng ở Trung ương thông qua, Bộ Nội vụ trình Chính phủ giao biên chế công chức cho các bộ, ngành và trình Chính phủ có văn bản đề nghị địa phương quyết định cụ thể biên chế công chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý.

(5) Bộ, ngành, địa phương quyết định giao biên chế công chức hàng năm đối với từng cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ngành, địa phương trong tổng số biên chế công chức 5 năm được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao.

Nội dung kế hoạch biên chế công chức 5 năm

Nội dung kế hoạch biên chế công chức 5 năm được quy định tại Điều 12 Dự thảo Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

(1) Sự cần thiết của việc lập kế hoạch biên chế công chức 5 năm.

(2) Báo cáo đánh giá việc giao, quản lý và sử dụng biên chế công chức 5 năm trước liền kề với 5 năm kế hoạch

(3) Kế hoạch biên chế công chức 5 năm và hàng năm của từng cơ quan, tổ chức; kèm theo việc thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức theo Phụ lục IA hoặc Phụ lục IB

(4) Giải pháp thực hiện kế hoạch biên chế công chức sau khi được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt, dự kiến nguồn công chức bổ sung, thay thế, thực hiện chính sách tinh giản biên chế và dự toán kinh phí để thực hiện.

(5) Kiến nghị, đề xuất.

Hồng Vân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,561

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]