Bình đẳng công tư trong giáo dục

21/06/2013 15:27 PM

Hằng năm, trước những khó khăn trong việc tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) – cao đẳng ngoài công lập với nguy cơ phải đóng cửa, người ta bàn nhiều giải pháp, như thay đổi các chính sách tuyển sinh hay tái cơ cấu trường tư…

Những ý kiến khác thì cho rằng đó là vấn đề sàng lọc của “cơ chế thị trường”… Tuy nhiên, các ý kiến và giải pháp đưa ra vẫn chưa chạm đến cái gốc của vấn đề, đó là bình đẳng công tư trong giáo dục ĐH và một chính sách phát triển hài hòa giữa các trường ĐH công lập và ngoài công lập.

Hiện nay chúng ta có sự bình đẳng đó không? Câu trả lời là không. Một hệ sinh thái ĐH hài hòa nghĩa là các loại trường khác nhau (trường công lập/ngoài công lập; trường ĐH nghiên cứu/ĐH giảng dạy và ứng dụng; ĐH đơn ngành/ĐH đa ngành; các trường ĐH/cao đẳng cộng đồng…) đều có vai trò riêng của mình, và do đó có chỗ đứng của mình.

Tất cả các trường này có những đặc điểm mạnh yếu từng mặt khác nhau, do đó bổ sung cho nhau, và cần được cạnh tranh trong một không gian bình đẳng, và Nhà nước phải đóng vai trò chính trong việc tạo ra hệ sinh thái đó.

Mặc dù còn nhiều tiêu cực, vẫn cần nhìn nhận rằng trường ngoài công lập đã và đang tồn tại như một đối trọng với các trường công lập về nhiều mặt, tuy rất không cân xứng. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường công và tư, giữa các trường công, hay giữa các trường tư với nhau, chắc chắn có lợi cho cả hệ thống, nếu các nhà làm chính sách bảo đảm một sân chơi công bằng cho tất cả các trường.

Thế nào là công bằng?

Hiện nay, trường công đang được hưởng một nguồn lực rất lớn từ ngân sách công. Cần phải tính đủ không chỉ là ngân sách hoạt động bao gồm lương, chi thường xuyên, đầu tư xây dựng, kinh phí mục tiêu, mà còn cả đất đai và hạ tầng. Khoản đất đai và hạ tầng này nếu quy ra thành tiền, thì vô cùng lớn. Do vậy, trường công có mức thu học phí thấp hơn, là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, quan niệm rằng trường công được bao cấp, dành cho các em nhà nghèo học giỏi, còn trường tư tự hạch toán lấy thu bù chi có lãi và có tích lũy, dành cho các em “hạng hai” xét về điểm đầu vào, tức là không đủ điểm vào các trường công lập, nhưng có đủ tiền trang trải học phí, là một quan điểm đã lỗi thời.

Vì nó không công bằng, và cũng không phản ánh đúng sự khác biệt thực chất nên có giữa trường công và trường tư, và không giúp cho cả trường công lập lẫn ngoài công lập phát huy hết thế mạnh của mình.

Mặc dù chính sách của Nhà nước là cho vay học phí không phân biệt sinh viên trường công hay trường tư, nhưng chính sách này không đủ bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng.

Hiện nay, các trường ngoài công lập có mức học phí cao hơn nhiều lần, đất đai và cơ sở vật chất hạn hẹp, không được hưởng các nguồn dự án và kinh phí nghiên cứu, không đủ nguồn lực để đầu tư dài hạn vào nhân lực, nên đang chật vật để duy trì chất lượng và thu hút sinh viên. Mặc dù nguồn lực công hiện nay đang gián tiếp chảy vào các trường tư thông qua nguồn giảng viên của các trường công lập, nhưng điều này quả là không đáng được khuyến khích.

Sự khác biệt giữa trường công lập và ngoài công lập không nên nằm ở học phí. Chính sách học phí thấp ở các trường công hiện nay, đã gây ra nhiều hệ quả tai hại: lương thấp, giảng viên phải “chạy sô”, mua bằng, bán điểm, không thể dành thời gian cho học hỏi, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng. Lương thấp đã là động lực chính cho việc nảy sinh các kiểu đào tạo không chính quy mà mục đích chính là tăng thu nhập. Từ đó không mấy ai thực sự quan tâm đến kiến thức, kỹ năng.

Nên khác nhau thế nào?

Sự khác biệt về bản chất và dễ thấy nhất, là toàn bộ nguồn vốn đầu tư của trường công lập là nguồn ngân sách công, trong lúc nguồn vốn của trường tư là từ cá nhân (đầu tư hoặc hiến tặng), hoặc tập thể (nhóm người, hoặc công ty, tập đoàn).

Do nguồn vốn khác nhau, nên mục đích và sứ mạng cũng khác nhau. Trường công thực hiện những nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho, tức là bổ sung cho những khiếm khuyết của thị trường, để bảo đảm lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của toàn xã hội.

Trường ngoài công lập thực hiện cung ứng một dịch vụ để tìm kiếm lợi nhuận (đối với trường vì lợi nhuận) hoặc để thực hiện một sứ mạng phục vụ xã hội theo cách thức mà những người sáng lập mong muốn (đối với trường không vì lợi nhuận). Cả hai đều hoạt động theo cơ chế thị trường và chịu sự điều chỉnh theo quy luật cung cầu của thị trường.

Nhiệm vụ của trường công là tạo cơ hội bình đẳng cho người học. Thay vì bao cấp học phí cho hàng triệu sinh viên, để chất lượng của toàn hệ thống bị kéo lùi và triệt tiêu động lực cạnh tranh của các trường, việc xóa bao cấp học phí sẽ tạo ra nguồn lực để bảo đảm chất lượng cho toàn hệ thống, đồng thời bảo đảm cơ hội theo đuổi giáo dục ĐH cho một tỷ lệ nhỏ sinh viên nhà nghèo, học giỏi.

Xóa bao cấp học phí phải gắn liền với chính sách học bổng và cho vay học phí. Điều này sẽ kích thích sinh viên nỗ lực học tập, tạo ra những khích lệ cho việc phát triển năng lực và phẩm chất. Những sinh viên nhà nghèo, nhưng học không đủ giỏi để có học bổng, thì đã có hệ thống cho vay học phí.

Nếu khả năng hoàn vốn thấp, nghĩa là chất lượng đào tạo của các trường không đủ bảo đảm cơ hội việc làm, thì các trường sẽ phải nỗ lực thích ứng với thị trường việc làm để thu hút sinh viên.

Nhiệm vụ của trường công là bù đắp những khiếm khuyết của thị trường, đó là thực hiện đào tạo, hay dùng chính sách học bổng để khuyến khích những ngành học rất cần cho xã hội nhưng thị trường không có đủ động lực để đáp ứng, nhằm đảm bảo sự đa dạng các ngành nghề và sự phát triển hài hòa của xã hội.

Nhiệm vụ của Nhà nước là đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học xã hội. Một số nghiên cứu khoa học ứng dụng có thể được giao phó cho thị trường, nhưng khoa học cơ bản và khoa học xã hội, vốn là nền tảng của học thuật và là lợi ích công của xã hội cả trong hiện tại và tương lai.

Vai trò của các trường ĐH nghiên cứu trong việc dẫn dắt xã hội và dẫn dắt cả hệ thống thông qua nghiên cứu khoa học cơ bản, đào tạo lực lượng tinh hoa, đào tạo những người nghiên cứu chuyên nghiệp ở đỉnh cao, đào tạo giảng viên nòng cốt cho toàn hệ thống giáo dục ĐH là điều đã được chứng minh ở các nước.

Do vậy Nhà nước phải nắm lấy vai trò tổ chức và thực hiện các trường ĐH nghiên cứu, chiếm một số ít trong toàn bộ hệ thống, bằng những chính sách thích hợp. Việc xóa bỏ bao cấp về học phí sẽ giúp Nhà nước có đủ nguồn lực để thực hiện những mục tiêu trên, là cách để sử dụng nguồn lực công vào những mục đích đúng đắn và hiệu quả hơn cho giáo dục.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các trường công lập tăng học phí?

Nhiều lãnh đạo trường công đã khẳng định, nếu học phí đủ trang trải chi phí để đảm bảo chất lượng, thì các hệ đào tạo phi chính quy sẽ được giải phóng khỏi sứ mạng “là nồi cơm của các trường” để trở về sứ mạng chính của mình là phổ cập và nâng cao kiến thức cho người đang đi làm, người lớn tuổi, hoặc bất cứ ai thực sự có nhu cầu học.

Vì không phụ thuộc vào nguồn thu này, các trường có khả năng bảo vệ các tiêu chuẩn đào tạo tốt hơn, giảng viên không cần, và không được phép chạy sô như hiện nay, mà phải tập trung cho giảng dạy, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng và không ngừng hoàn thiện năng lực.

Việc xóa bỏ bao cấp học phí cũng sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa công và tư. Học phí giữa các trường sẽ khác nhau, không phải vì đó là trường công hay tư, mà là do sự khác nhau về mức độ đầu tư, trang thiết bị, chất lượng và uy tín giảng viên, đặc điểm ngành nghề, triển vọng thu nhập.

Sự cạnh tranh bình đẳng để giành sinh viên, cuối cùng sẽ trở thành cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của thế giới việc làm, vì hiển nhiên là sinh viên sẽ chọn học nơi nào mà triển vọng việc làm là tốt nhất cho họ. Điều này sẽ khiến các trường nâng cao năng lực đáp ứng của mình, trở thành hữu dụng hơn cho xã hội và cho việc phát triển kinh tế.

Trở lại vấn đề bình đẳng công tư

Nhìn vấn đề trên toàn hệ thống, sẽ thấy có ba giải pháp tạo ra bình đẳng triệt để giữa các trường công và tư. Đó là (i) tất cả các trường công hay tư đều được tự chủ tuyển sinh, theo nghĩa tự mình xây dựng tiêu chuẩn và quy trình xét tuyển, cũng như tự quyết định số lượng tuyển sinh.

Tuy tự chủ nhưng cần có một chỗ dựa tin cậy (kỳ thi tiêu chuẩn hóa có chất lượng) và từng trường phải công khai tiêu chuẩn, quy trình của mình. Nhà nước có thể tổ chức việc khảo thí một cách độc lập, chuyên nghiệp và các trường có thể sử dụng kết quả thi này của sinh viên như một trong các tiêu chuẩn đầu vào.

(ii) Học bổng và tín dụng cấp trực tiếp cho sinh viên thông qua các “phiếu” và sinh viên có toàn quyền lựa chọn bất cứ trường nào, công hoặc tư để học, nếu như họ đáp ứng được các yêu cầu tuyển sinh của trường đó.

(iii) Các trường sẽ được kiểm định dựa trên những tiêu chuẩn minh bạch, công khai, mà công chúng có thể kiểm chứng được; do các tổ chức kiểm định độc lập thực hiện. Trường nào đạt tiêu chuẩn kiểm định tối thiểu thì có thể thu nhận các “phiếu” của sinh viên để nhận được khoản kinh phí nhà nước cấp cho các “phiếu” này. Những trường không đạt tiêu chuẩn kiểm định sẽ chỉ có thể nhận học phí trực tiếp của sinh viên mà thôi.

Trong khi hướng đến một chính sách công bằng cho trường công lập và ngoài công lập, có lẽ cũng cần phải chú ý sự phân biệt trường ngoài công lập vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, vì nếu không chúng ta sẽ lại tạo ra một sự bất bình đẳng khác.

Phạm Thị Ly

Đại Học Quốc Gia TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,066

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]