Doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng hóa đơn in thừa
Đầu tháng 7 tới, Thông tư 64/2013/TT-BTC sẽ chính thức có hiệu lực áp dụng, thay thế cho Thông tư 153/2010/TT-BTC về nội dung quản lý hóa đơn.
Một trong những thông tin quan trọng trong Thông tư này là hướng giải quyết vướng mắc trong việc sử dụng hóa đơn cũ từ đầu năm đến nay: Bộ Tài chính đã “ngầm” cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng hóa đơn in thừa của năm trước.
Việc cho phép sử dụng hóa đơn in thừa được quy định trong một “ví dụ” của Thông tư 64/2013/TT-BTC:
Điều 4. Nội dung trên hóa đơn đã lập 1. Nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã lập phải được thể hiện trên cùng một mặt giấy. … b) Ký hiệu mẫu số hoá đơn và ký hiệu hoá đơn. … Ví dụ: Doanh nghiệp X thông báo phát hành hoá đơn tự in vào ngày 7/6/2013 với số lượng hoá đơn là 500 số, từ số 201 đến hết số 700. Đến hết năm 2013, doanh nghiệp X chưa sử dụng hết 500 số hoá đơn đã thông báo phát hành. Năm 2014, doanh nghiệp X được tiếp tục sử dụng cho đến hết 500 số hoá đơn đã thông báo phát nêu trên.
Trường hợp doanh nghiệp X không muốn tiếp tục sử dụng số hoá đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng thì thực hiện huỷ các số hoá đơn chưa sử dụng và thực hiện Thông báo phát hành hoá đơn mới theo quy định.
|
Thêm 3 đối tượng được miễn thuế GTGT:
Căn cứ theo nội dung Thông tư 65/2013/TT-BTC (sửa đổi bổ sung một số nội dung Thông tư 06/2012/TT-BTC), sẽ có thêm 3 loại hình dịch vụ được đưa vào diện “miễn thuế” GTGT (trở thành đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng được hưởng thuế suất 0%):
- Hoạt động cung cấp tín dụng của tất cả mọi tổ chức (trước đây chỉ áp dụng cho tổ chức tín dụng).
- Các dịch vụ số hóa;
- Dịch vụ cho thuê xưởng trong khu phi thuế quan.
Việc thay đổi về thuế GTGT này sẽ được áp dụng cho tất cả dịch vụ phát sinh từ 1/3/2012. Cách thức xử lý những hóa đơn đã xuất cho các dịch vụ này được hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư 65.
Tăng lệ phí chứng thực hợp đồng:
Từ đầu tháng 7, việc chứng thực hợp đồng sẽ áp dụng mức lệ phí mới ban hành kèm Thông tư liên tịch 62/2013/TTLT-BTC-BTP. Theo bảng phí mới này, các mức lệ phí sẽ tăng gấp đôi so với trước đây: Lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch với tài sản giá trị dưới 50 triệu là 50.000 đồng/trường hợp; từ 50 triệu đến dưới 100 triệu là 100.000 đồng/trường hợp…
Cũng theo Thông tư 62, việc chứng thực các văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, thuê nhà ở hiện nay sẽ tính lệ phí dựa trên giá trị tài sản, không áp dụng mức lệ phí cố định như trước đây.
Thủ tục cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông:
Để kinh doanh dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ phải thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông theo loại hình dịch vụ viễn thông theo hướng dẫn tại Thông tư 12/2013/TT-BTTTT.
Hồ sơ xin giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu 01/GPKDVT;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp;
- Điều lệ của doanh nghiệp;
- Kế hoạch kinh doanh trong 05 (năm) năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép theo Mẫu 06/GPKDVT;
- Kế hoạch kỹ thuật trong 05 (năm) năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép theo Mẫu 07/GPKDVT;
- Dự thảo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông mẫu, dự thảo bản thông tin điều kiện sử dụng dịch vụ viễn thông mẫu quy định tại Điều 10 Thông tư này đối với hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ điện thoại cố định mặt đất, dịch vụ thông tin di động mặt đất, dịch vụ truy nhập Internet.
Trọng Hiền
Ảnh: Internet