Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho rằng hội thảo được tổ chức sẽ góp phần tích cực hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm cũng như pháp luật về dân sự nói chung, tạo an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự thương mại.
Đánh giá tổng quan thực trạng pháp luật về giao dịch bảo đảm, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm Hồ Quang Huy nhấn mạnh pháp luật về giao dịch bảo đảm đã có sự hoàn thiện về căn bản, qua đó tăng cường quyền tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch bảo đảm; đơn giản hóa thủ tục giao kết, thực hiện hợp đồng bảo đảm.
Tuy vậy, ông Hồ Quang Huy cũng nêu thực trạng pháp luật dân sự hiện chưa tiếp cận giao dịch bảo đảm từ các nguyên lý của vật quyền bảo đảm nên quyền, lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm chưa được bảo vệ đầy đủ; chưa tạo hành lang pháp lý an toàn để khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm.
Trong khi đó, các quy định của pháp luật về xác định quyền ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại mà chưa đưa ra các nguyên tắc chung về xác định vị thế quyền của các chủ thể khác có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản tài sản bảo đảm...
Một số ý kiến cho rằng pháp luật hiện hành chưa tạo lập được những đảm bảo pháp lý cần thiết để bên nhận bảo đảm chủ động và đơn phương xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở các hợp đồng bảo đảm đã được giao kết hợp pháp. Các quy định về thủ tục xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc nhiều vào ý chí của bên bảo đảm; thiếu cơ chế và những đảm bảo pháp lý để bên nhận bảo đảm thực hiện quyền thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý. Hoạt động xử lý tài sản bảo đảm chưa có sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ từ các các quy định của pháp luật khác có liên quan (pháp luật về tố tụng, hành chính, định giá tài sản bảo đảm, bán đấu giá tài sản...)
Để khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm qua đó kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm đề nghị cần sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm trong đó tập trung giải quyết một số “điểm nghẽn” trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm hiện nay, trong đó có việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp có sự thay đổi về hiện trạng do bên thế chấp hoặc người thứ ba đầu tư, về chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm cho người mua, người nhận chuyển nhượng...
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục tổng kết thực tiễn hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng để thấy được những vướng mắc, bất cập của pháp luật cũng như từ việc thực thi pháp luật trong việc thu hồi tài sản, bán đấu giá, định giá tài sản... của cá nhân, tổ chức liên quan.
Giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay là cần nghiên cứu, sớm ban hành Nghị định về xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở pháp điển hóa Thông tư liên tịch giữa các Bộ và hoàn thiện các quy định về vấn đề này trong Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm.
Về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự 2005, Luật Đất đai 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan về xử lý tài sản bảo đảm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm trong sự hài hòa lợi ích của các bên khác có quyền và lợi ích liên quan.
Việc nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Dân sự cần tiếp cận các vấn đề về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự dưới giác độ của các nguyên lý về vật quyền bảo đảm. Việc tiếp cận lý thuyết này cho phép bên nhận bảo đảm thực thi ngay các quyền xác lập trên tài sản bảo đảm phát sinh từ thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm đã ký kết; đồng thời giúp bên bảo đảm có khả năng tự mình xử lý khối tài sản bảo đảm và thu hồi lợi ích của mình trong thời gian nhanh nhất... Nghiên cứu áp dụng thủ tục xử lý tài sản bảo đảm rút gọn, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí xử lý tài sản bảo đảm, đồng thời giảm thiểu nguy cơ rủi ro thanh khoản do nợ xấu tăng cao...
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những vướng mắc bất cập của pháp luật về giao dịch bảo đảm; những khó khăn trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm; kinh nghiệm của một số nước cũng như kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm.../.
Quỳnh Hoa
(TTXVN)