Chính sách rời rạc
Ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù đã có không ít chính sách phát triển ngành phân phối, bán lẻ được ban hành, nhưng các văn bản thiếu tính thống nhất, rời rạc và chưa có những quy định cụ thể cho các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đã khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng phát triển.
Cụ thể, những quy định về tiêu chí của các loại hình phân phối hiện đại như: Trung tâm thương mại, siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi... vẫn chưa có, khiến cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ “vừa đi vừa dò đường”, còn người tiêu dùng cũng khó nhận dạng đâu là chợ, đâu là siêu thị.
“Riêng ở Việt Nam một mình một kiểu. Siêu thị của các nước trên thế giới quy định là 1.000 m2 nhưng ở Việt Nam thì có khi 200m2 cũng là siêu thị”, ông Xuân thẳng thắn nói.
Chính sự rời rạc, thiếu thống nhất trong các văn bản, quy định đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi hoạt động.
Dẫn chứng cho khó khăn này, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Hiway Việt Nam - một nhà bán lẻ mới gia nhập thị trường cho biết, bài toán làm doanh nghiệp đau đầu nhất chính là việc tiếp cận mặt bằng, điểm bán khi mà các chính sách quy hoạch mặt bằng vẫn chỉ nằm trên... văn bản. Mặc dù thành phố đã chia tỷ lệ mặt bằng cho thương mại trong một khu dân cư, nhưng vị trí ở chỗ nào thì lại không thấy có.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Võ Văn Quyền cũng thừa nhận, thương mại trong nước đã được quan tâm hơn, chủ trương phát triển kênh phân phối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đã rõ, nhưng mới hỗ trợ về tinh thần, còn hỗ trợ về chính sách chưa nhiều, chính sách quản lý và phát triển dạng thức này còn rất thiếu.
Tái cấu trúc ngành
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như đạt mục tiêu mục tiêu đưa ngành bán buôn, bán lẻ phát triển, đóng góp từ 18-20% GDP (đến năm 2015), ông Xuân đề xuất, Nhà nước cần quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động bán buôn, bán lẻ. Cần có một cuốn sách như cẩm nang hướng dẫn trong ngành, tập hợp những tiêu chuẩn, quy định, ưu đãi… với từng loại hình, từng ngành, từng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của doanh nghiệp.
Còn theo bà Lê Trịnh Minh Châu, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Thương mại, cần có sự tái cơ cấu ngành với 4 trụ cột đó là: Chuyển dịch phương thức tìm kiếm lợi nhuận bằng chênh lệch giá sang cung ứng giá trị chuyên nghiệp và có giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu lạc hậu truyền thống sang văn minh hiện đại; chuyển từ phương thức kinh doanh nhỏ lẻ sang kinh doanh lớn; phát triển và chuyển dịch các mối quan hệ rời rạc dễ bị đổ vỡ hiện nay sang chuỗi liên kết hiện đại, bền vững tạo chuỗi giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, phải khắc phục những xung đột giữa những nhà phân phối trong nước và ngoài nước, phải đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch với các chính sách rõ ràng.
Bởi theo phán ảnh của ông Sơn, ngành bán lẻ hiện nay, cụ thể là siêu thị đủ sức cạnh tranh với siêu thị ngoại nhưng ở nước ta vẫn nặng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các địa phương vẫn có tâm lý “sính ngoại” khi sẵn sàng phê duyệt cho doanh nghiệp nước ngoài những vị trí đắc địa. “Hành động này vô hình trung trở thành lực cản chèn ép các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ Việt Nam”, ông Sơn nói.
Phan Thu