Đề xuất 3 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Tại Điều 3 dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động đề xuất 3 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm:
- Giám định mức suy giảm khả năng lao động.
- Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.
- Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
Theo Điều 4 dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động quy định về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau:
- Người lao động được xem xét hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện tại mục 1 khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;
+ Tai nạn xảy ra không thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
- Người lao động không được hưởng các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện tại mục 1 nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:
+ Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;
+ Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
+ Sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Theo Điều 5 dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động quy định giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau:
- Người lao động bị tai nạn lao động chủ động đi giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Sau khi bị thương tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
+ Sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định;
+ Đối với trường hợp thương tật không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
- Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động nhiều lần.
- Đối với người lao động đã được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định tại Nghị định này, nếu thương tật tái phát đã điều trị ổn định, thì được Cơ quan bảo hiểm xã hội giới thiệu đi giám định lại sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó.
- Cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả phí giám định đối với các trường hợp sau:
+ Khi người lao động chủ động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động mà có kết luận của Hội đồng giám định y khoa là tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên;
+ Khi người lao động được giới thiệu đi giám định lại theo quy định tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Nguyễn Ngọc Quế Anh