Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
10/06/2023 11:16 AM

Cho tôi hỏi những trường hợp nào vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước mà không bị xử phạt? - Kim Hào (An Giang)

Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (Hình từ internet)

Ngày 02/6/2023, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 811/QĐ-KTNN ngày 02/6/2023 ban hành hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

1. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Cụ thể tại Điều 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 811/QĐ-KTNN ngày 02/6/2023 quy định không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước đối với các trường hợp sau đây:

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính.

2. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Căn cứ theo Điều 3 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 811/QĐ-KTNN ngày 02/6/2023 quy định nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 như sau:

- Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.

- Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

- Trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:

+ Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;

+ Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

- Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng được thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

3. Những hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Tại Điều 5 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 811/QĐ-KTNN ngày 02/6/2023 quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước bao gồm:

- Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính.

- Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

- Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15.

- Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.

- Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính.

- Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

- Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

- Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

- Chống đối, trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Xem thêm Quyết định 811/QĐ-KTNN có hiệu lực từ ngày 02/6/2023.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,292

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]