Trốn đóng BHXH phải đóng thêm tiền: 0,03%/ngày trên số tiền trốn đóng (đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
16/06/2023 08:45 AM

Xin hỏi có phải theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất thì doanh nghiệp trốn đóng BHXH sẽ phải nộp thêm số tiền 0,03%/ngày trên số tiền trốn đóng BHXH đúng không? – Mỹ Hạnh (Cần Thơ)

Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo) mới nhất có đề xuất các quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và hướng xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể như sau:

Các hành vi bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Theo Điều 43 của Dự thảo thì trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các hành vi sau:

(1) Người sử dụng lao động không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đăng ký không đủ số người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Dự thảo.

(2) Người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 40 của Dự thảo mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng theo quy định. Số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng bao gồm số tiền bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm phải đóng của người sử dụng lao động và số tiền bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm phải đóng của người lao động. 

(3) Người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.

Trốn đóng BHXH phải đóng thêm tiền: 0,03%/ngày trên số tiền trốn đóng (đề xuất)

Đề xuất doanh nghiệp trốn đóng BHXH phải đóng thêm 0,03%/ngày trên số tiền trốn đóng (Hình từ Internet)

Hướng xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo Điều 44 của Dự thảo thì trường hợp người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ bị xử lý theo hướng sau đây:

- Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điều 43 của Dự thảo nếu sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng.

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên.

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

- Cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện ra Toà án đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi được người lao động uỷ quyền.

- Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định của pháp luật có liên quan và thực tiễn địa phương, quyết định áp dụng các biện pháp, chế tài khác đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội trên phạm vi địa phương.

Doanh nghiệp phải nộp thêm số tiền 0,03%/ngày trên số tiền trốn đóng BHXH

Như vậy, căn cứ đề xuất nêu tại Điều 44 của Dự thảo thì trường hợp doanh nghiệp có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,889

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]