Khi nào phù hợp mới phạt xe “không chính chủ”

26/07/2013 11:16 AM

“Chỉ đạo của Bộ GTVT trong phương án trình Chính phủ, trước mắt không xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, cho đến khi chúng ta có được điều kiện tốt nhất về mặt cơ sở dữ liệu, cũng như để cho người dân đang trong quá trình làm thủ tục chuyển quyền sở hữu..".

Ông Khuất Việt Hùng, Quyền Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho biết xung quanh quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (không chính chủ).

 

Trái chiều

 

Như VietNamNet đã đưa tin, tại Dự thảo lần 6 Nghị định 71 sửa đổi, Bộ GTVT không đưa vào quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện sau khi tiếp nhận đại đa số ý kiến của người dân.

 

Điều này trái ngược với đề xuất của Bộ Công an và Bộ Tư pháp khi cho rằng ‘nên đưa quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện’ vào trong nghị định sửa đổi.

 

Tại Hội nghị thẩm định Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi diễn ra ở Bộ Tư pháp, ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp (Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nghị định 71 sửa đổi) cho rằng, việc xử phạt xe không chính chủ là đúng và phải đưa vào nghị định vì đây là nguồn nguy hiểm cao độ và Luật đã quy định xử phạt.

 

Bộ Tư pháp cũng đưa ra một phương án, chỉ xe nào khi gây ra tai nạn thì lúc đó mới truy cứu đến nguồn gốc xe có chính chủ hay không (Ảnh: Dân trí).

 

Tuy nhiên, ông Liên cho rằng, về thời điểm phạt và mức phạt như thế nào phải xem xét cho hợp lí.

 

Xung quanh quan điểm không phạt xe không chính chủ, ông Khuất Việt Hùng, Quyền Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho rằng: trước mắt cần tập trung  vào xử lý những lỗi tường minh, tăng hiệu quả, hiệu lực của những người thực thi công vụ và đặc biệt tránh một số trường hợp cá biệt người thực thi công vụ lợi dụng để gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

 

“Chỉ đạo của Bộ GTVT trong phương án trình Chính phủ, trước mắt không xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, cho đến khi chúng ta có được điều kiện tốt nhất về mặt cơ sở dữ liệu, cũng như để cho người dân đang trong quá trình làm thủ tục chuyển quyền sở hữu... Khi điều kiện phù hợp thì điều chỉnh, sửa đổi bổ sung nghị định cho phù hợp”, ông Hùng cho hay.

 

Ông Hùng cũng cho biết thêm, Bộ Tư pháp cũng đưa ra một phương án là chỉ xe nào khi gây ra tai nạn thì lúc đó mới truy cứu đến nguồn gốc xe có chính chủ hay không.

 

Được biết, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ cả phương án của Bộ Tư pháp.

 

Có lỗi của Nhà nước

 

Xung quanh quan điểm của Bộ GTVT về bỏ xử phạt ‘không chính chủ’, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Bất kỳ quy định nào đưa ra đều phải có chế tài và phải có tính khả thi.

 

Bộ GTVT đề xuất không phạt xe không chính chủ, trái ngược với đề xuất của Bộ Công an và Bộ Tư pháp - Ảnh: TP

 

Việc quy định chuyển quyền sở hữu phương tiện cũng cần có chế tài để chủ phương tiện thực hiện nghiêm túc.

 

Tuy nhiên, hiện nay việc sang tên đổi chủ đang còn nhiều vướng mắc, nhiều phương tiện được mua bán nhiều lần qua nhiều chủ, giờ để sang tên phải tìm chủ cũ, thậm chí không tìm được chủ cũ phải viết giấy cam kết mất rất nhiều thời gian.

 

Do vậy cần phải có thời gian đển quy định này đi vào cuộc sống.

 

Ông Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều năm qua, người dân không sang tên chuyển chủ sở hữu phương tiện, Nhà nước có lỗi rất nhiều.

 

Thậm chí, có thời điểm Nhà nước còn đưa ra quy định mỗi người đăng ký một xe đã dẫn tới tình trạng chủ phương tiện ồ ạt nhờ người đứng tên đăng ký hộ…

 

Do vậy, Nhà nước cần phải tạo điều kiện để người dân sang tên đổi chủ rồi mới đưa vào xử phạt được.

 

Ông Hùng cũng đồng tình với Bộ GTVT và cho rằng nên đưa vào nghị định khác như vi phạm trốn nộp thuế (trốn nộp thuế trước bạ) sẽ hợp lý hơn.

 

“Không sang tên chuyển quyền sở hữu phương tiện không liên quan đến an toàn giao thông mà chỉ liên quan đến việc anh trốn thuế. Do vậy nếu đưa vào nghị định xử phạt hành chính vi phạm giao thông đường bộ là không hợp lý…”, ông Hùng nói.

 

Gia Văn

Theo Vietnamnet

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,680

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]