Trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin: Kết luận "sốc phản vệ" là thiếu thuyết phục

26/07/2013 11:24 AM

Trong cơ thể trẻ sơ sinh chưa có kháng thể đặc hiệu, nên sẽ không có 'chất lạ' nào là nguyên nhân, đủ thuyết phục cho "sốc phản vệ"!

Vắc-xin là một thuật ngữ dùng trong y học, để chỉ những chế phẩm sinh học vô hại mang tính kháng nguyên,để chủ động đưa vào cơ thể sống (thường gọi là tiêm phòng), nhằm kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể đó, sinh ra kháng thể đặc hiệu. Vắc-xin cũng là một, trong những thành tựu vĩ đại, của y học thế giới, trong phòng bệnh đặc hiệu.

 

Trên thực tế, vắc-xin đã trở thành 'lá bùa hộ mệnh', của con người, trong cuộc đấu tranh sinh tồn, với một số bệnh dịch nguy hiểm. Cũng có thể diễn đạt bằng cách khác; vắc-xin là sự an toàn, là tình thương yêu của thế hệ đi trước dành cho thế hệ tương lai.

 

Vắc-xin không có tội

 

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra hiện tượng trẻ tử vong, sau khi tiêm phòng vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Dù Bộ Y tế đã khẳng định, các trường hợp tử vong này không liên quan tới vắc-xin, nhưng cũng không làm cho dư luận xã hội, nhất là các bậc cha mẹ bớt hoang mang, lo lắng, nghi ngờ về tính an toàn, của các vắc-xin đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng miễn phí này.

 

Về bản chất, các vắc-xin trong chương trình TCMR,  mang toàn bộ đặc tính kháng nguyên, của tác nhân gây bệnh tương ứng (vi khuẩn, virus), nhưng không có khả năng gây ra bệnh. Tiêm phòng là chủ động đưa vắc-xin vào cơ thể kích thích (giúp) cơ thể chủ động nhận diện kháng nguyên, sinh ra kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên (vắc-xin) cũng như tác nhân gây bệnh tương ứng, những thông tin về đặc tính kháng nguyên, của tác nhân gây bệnh được hệ miễm dịch của cơ thể lưu giữ suốt đời.

 

Ví dụ như tiêm phòng vắc-xin viêm gan B (VGB) là chủ động giúp cơ thể nhận diện đặc tính kháng nguyên, sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus VGB.

Những thông tin, về đặc tính kháng nguyên của virus VGB, được hệ miễm dịch của cơ thể lưu giữ suốt đời.

 

Khi virus VGB xâm nhập vào cơ thể; do đã có sẵn thông tin về đặc tính kháng nguyên của virus này, nên quá trình tạo ra kháng thể đặc hiệu (đáp ứng miễn dịch đặc hiệu) của cơ thể trở lên mạnh mẽ, chống lại sự nhân lên/ phát triển của virus, giúp cho người đã tiêm phòng vắc-xin VGB không mắc bệnh này.

 

Về nguyên tắc; chỉ tiêm vắc-xin cho những người (đối tượng), chưa có kháng thể đặc hiệu chống lại tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus). Các trẻ em trong độ tuổi được tiêm vắc-xin của chương trình TCMR là thuộc đối tượng này.

 

 

Từ "sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân"... đến "chất lạ"

 

Sau chùm tai biến thảm khốc tại bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị gây tử vong 03 trẻ sơ sinh sau tiêm vắc-xin phòng viêm gan B, ý kiến của Hội đồng chuyên môn đã kết luận về nguyên nhân tử vong của ba trẻ sơ sinh này do "sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân".

 

Kết luận như vậy, là rất thiếu thuyết phục. Vì y học đã giải thích rất cụ thể, phản vệ (anaphylaxis) là phản ứng mẫn cảm toàn thân nặng đặc trưng bởi tụt huyết áp hay tắc đường thở đe dọa sinh mạng. Trong đó, bệnh nhân đã có tiếp xúc trước với kháng nguyên ( tức là trong cơ thể có sẵn kháng thể đặc hiệu).

 

"Sốc phản vệ" là tình trạng lâm sàng xuất hiện đột ngột do hậu quả của sự kết hợp kháng nguyên với các thành phần miễn dịch IgE (là một kháng thể đặc hiệu) trên bề mặt tế bào ưa kiềm và các đại thực bào gây giải phóng các chất như histamin, leukotrienes và các  hoá chất trung gian khác. Hậu quả của tình trạng này là tăng tính thấm thành mạch, giãn mạch, co thắt các cơ trơn tiêu hoá, hô hấp gây ra bệnh cảnh lâm sàng của sốc phản vệ.

 

Đối với trẻ mới sinh (trẻ được mang thai bình thường, không có biểu hiện với bệnh lý- như 03 trẻ sơ sinh xấu số, tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), về căn bản, hệ miễn dịch chưa tiếp xúc với độc tố, hóa chất, kháng sinh (là các kháng nguyên)... . Vì vậy, trong cơ thể trẻ sơ sinh chưa có kháng thể đặc hiệu, nên sẽ không có 'chất lạ'nào là nguyên nhân, đủ thuyết phục cho "sốc phản vệ"!

 

Đó là xét trên cơ sở lý thuyết, còn trên thực tế, kết luận này, đã khiến cho nhiều người nhớ lại, chuyện 'tắc mạch ối' gây tử vong trong sản khoa (năm 2012), vẫn để lại nhiều dấu hỏi lớn nhiều chiều trong dư luận.

 

Rất nhiều các bác sỹ, làm việc cả đời trong ngành nhi khoa, cũng không hề gặp một ca 'sốc phản vệ' nào trên trẻ sơ sinh. Vậy xin được đặt một câu hỏi, GS - TS Nguyễn Trần Hiển và tất cả các vị trong Hội đồng chuyên môn: Từ ngày vào ngành y các vị đã trự tiếp thăm khám, chẩn đoán và điều trị một ca bệnh trẻ sơ sinh nào bị sốc phản vệ hay chưa (!?)

 

Nếu các vị chưa từng gặp chưa từng trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và điều trị thì cơ sở nào (lý thuyết, thực tế lâm sàng) để đưa ra kết luận này? Vì kết luận này, cũng có thể coi như tiếng nói- danh dự, tự trọng của giới y học nước nhà.

 

Truy tìm nguồn gốc của chất "lạ"

 

Cũng đã có ý kiến cho rằng, rất có thể vắc-xin tiêm cho trẻ đã bị biến chất, thành chất cực độc trong quá trình sản xuất, bảo quản, do vậy khi tiêm vào cơ thể trẻ, hậu quả làm trẻ chết ngay sau đó.

 

Một cuộc nghiên cứu, điều tra về chất "lạ" gây nên cái chết của 03 trẻ sơ sinh, đang được Viện khoa học Hình sự (Bộ Công an) tiến hành độc lập với ngành y tế mang lại hy vọng về việc định danh được chất "lạ", chỉ khi biết được điều này chúng ta mới có thể có được phương cách giải quyết khoa học loại bỏ nó.

 

Chương trình TCMR miễn phí, là đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước ta, trong phòng bệnh đặc hiệu cho các cháu trong độ tuổi. Đây là tình thương yêu và trách nhiệm của chúng ta, dành cho thế hệ tương lại của đất nước này.

 

Mọi hành vi gây chết người, dù vô tình hay cố ý đều đáng phải suy ngẫm. Khi chưa có lời giải đáp chính xác, nên ngừng sử dụng hoàn toàn loại vắc-xin này, không nên để tái diễn những cái chết, mang nỗi buồn 'miễn phí', tình thương yêu, và trách nhiệm của chúng ta (thế hệ này) lại trở thành 'vị đắng' mà các cháu mang theo.

 

Nguyễn Văn Soạn

Theo Vietnamnet

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,375

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]