Chồng chết vợ phải đóng thuế TNCN

10/08/2013 17:57 PM

TVPL - Theo hướng dẫn tại Công văn 2493/TCT-TNCN của Tổng cục thuế, người vợ sẽ phải nộp thuế TNCN với phân nửa khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân khi người chồng chết.

Theo lập luận của Tổng cục thuế, trong khối tài sản chung hợp nhất sẽ có phân nửa tài sản là của vợ, phân nửa tài sản còn lại là phần tài sản của chồng.

Do đó với những tài sản do chồng đứng tên sở hữu riêng (cụ thể theo công văn là vốn cổ phần) mà được xác định là tài sản chung thì khi chuyển quyền sở hữu cho vợ (vì người chồng đã mất), người vợ sẽ phải đóng thuế TNCN theo cách tính sau:

- Đối với phần tài sản thuộc về người vợ theo quy định của luật hôn nhân gia đình (1/2 phần tài sản): người vợ không phải đóng thuế TNCN khi nhận chuyển quyền.

- Đối với phần tải sản thuộc vế người chồng – và theo đó trở thành di sản thừa kế: người vợ sẽ phải đóng thuế TNCN theo thuế suất dành cho thu nhập từ thừa kế.

Công văn 2493/TCT-TNCN

Căn cứ các quy định nêu trên, nếu số vốn cổ phần đứng tên chồng có căn cứ xác nhận là tài sản chung của hai vợ chồng thì khi người chồng mất đi, việc xác định phần vốn đứng tên người chồng thuộc sở hữu của người vợ sẽ thực hiện theo thỏa thuận giữa hai vợ chồng, theo di chúc hoặc theo quyết định của Tòa án. Theo đó, nếu phần vốn đứng tên chồng thuộc sở hữu của người vợ theo quy định của pháp luật thì khi chuyển sang tên người vợ không phải là khoản thu nhập từ thừa kế nên không chịu thuế thu nhập cá nhân.Phần vốn đứng tên chồng thuộc sở hữu của người chồng khi chuyển sang tên cho vợ hoặc cho các hàng thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật là khoản thu nhập từ thừa kế chịu thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, với hướng dẫn này của Tổng cục Thuế thì người vợ sẽ phải đóng thuế TNCN khi nhận phần tài sản mà chính mình đã góp phần mồ hôi nước mắt để tạo lập ra; điều này liệu có thỏa đáng?

Căn cứ theo quy định của luật Hôn nhân Gia đình, tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của hai vợ chồng và đây là Tài sản chung hợp nhất.

Căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sựthì tài sản chung hợp nhất được hiểu như sau:

Điều 217. Sở hữu chung hợp nhất

1. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật dân sự thì người vợ, người chồng mỗi người đều có toàn bộ quyền trên khối tài sản chung, không thể phân biệt rằng người này có một nửa quyền trên phần tài sản này, người kia có một nửa quyền trên phần tài sản kia.

Và vì lẽ đó, việc người vợ nhận phần tài sản chung sau khi người chồng mất đi chỉ có ý nghĩa là số người có quyền sở hữu đối với khối tài sản chung đã giảm đi một người, chứ không hề có sự chuyển giao tài sản từ quyền sở hữu của người chồng sang quyền sở hữu của người vợ.

Và nếu đã không có việc chuyển giao tài sản từ người chồng sang người vợ thì sao có thể gọi là “Thu nhập từ thừa kế” và áp thuế TNCN lên khối tài sản này ?

Phải chăng, Tổng cục Thuế đã quá máy móc khi áp dụng các quy định pháp luật về thuế khi chưa nghiên cứu đầy đủ bản chất của sự việc?

Trọng Hiền

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,453

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]