Quy định mới trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý
Từ ngày 21/8/2013, tại buồng tạm giam, tạm giữ và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giam, tạm giữ sẽ được dán tờ thông tin về trợ giúp pháp lý. Quy định này nhằm giúp cho người bị tạm giam, tạm giữ dễ dàng tiếp cận với các thông tin hướng dẫn các thủ tục để được trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Nội dung trên được quy định tại Thông tư liên tịch 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, thay thế Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia trợ giúp pháp lý không có thời gian đến nhận giấy chứng nhận tham gia tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ gửi giấy chứng nhận cho họ bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh.
Hướng dẫn thí điểm Cơ chế hải quan một cửa quốc gia
Từ ngày 28/8/2013, Thông tư liên tịch số 84/2013/TTLT-BTC-BCT-BGTVT chính thức có hiệu lực, hướng dẫn thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa Quốc gia.
Theo đó, các giao dịch điện tử trên Cơ chế hải quan một cửa quốc gia bao gồm: Khai, nhận phản hồi thông tin về việc xử lý hồ sơ; Tiếp nhận và chuyển thông tin khai đến các hệ thống xử lý chuyên ngành; Trao đổi thông tin giữa các hệ thống và Nhận kết quả xử lý.
Thông tư cũng quy định chứng từ hành chính hải quan một cửa có giá trị như chứng từ giấy.
Cơ chế này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến XNK hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh lựa chọn phương thức khai báo qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và đáp ứng điều kiện về công nghệ thông tin và các yêu cầu về kỹ thuật.
Đơn giản hóa thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài
Từ 30/8/2013, hồ sơ đề nghị công nhận bằng cấp nước ngoài không còn yêu cầu cung cấp văn bản công nhận chương trình giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nơi cấp văn bằng đã được kiểm định chất lượng và luận án, giấy xác nhận đã nộp luận án vào Thư viện quốc gia Việt Nam (đối với người có bằng tiến sĩ).
Theo đó, khi nộp hồ sơ, ngoài Đơn đề nghị công nhận, bản sao văn bằng, bản sao kết quả học tập tại cơ sở giáo dục nước ngoài (cả bản dịch ra tiếng Việt có chứng thực), người có văn bằng phải nộp thêm:
- Xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; Xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập;
- Bản sao hợp lệ hộ chiếu có đóng dấu ngày xuất, nhập cảnh và minh chứng đã đăng kí vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh của Bộ GDĐT.
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 26/2013/TT-BGDĐT, kèm theo mẫu đơn mới đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.
Huyền Trang
Ảnh: Internet