Đề nghị nới lỏng quy định cấm tảo hôn

14/08/2013 10:51 AM

Thuận tình ly hôn và không tranh chấp về con cái, tài sản được chọn ra tòa hoặc đến cơ quan hộ tịch để giải quyết.

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, ngày 13-8, Chính phủ (CP) đã nghe Bộ Tư pháp trình bày dự án sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ). Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, với rất nhiều điểm mới, bổ sung, điều chỉnh, lần sửa đổi này nên mạnh dạn kiến nghị QH xác định là ban hành Luật HNGĐ mới. Đề nghị này của cơ quan chủ trì soạn thảo nhận được ủng hộ từ các thành viên CP.

Đi vào các quy định cụ thể, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết thực tiễn cuộc sống, đồng bào dân tộc nhiều nơi có tập quán lập gia đình cho con cái khi còn rất nhỏ. Chiếu theo luật, như vậy là vi phạm. Nhưng áp vào xử phạt lại rất vất vả, không dễ thay đổi tập quán ngàn đời. Từ tình hình ấy, ông Giàng Seo Phử đề nghị dự luật không chỉ sửa đổi điều kiện kết hôn về tuổi - nam nữ bình đẳng, cùng 18 tuổi, mà cần tính toán nới lỏng quy định cấm tảo hôn, coi đây là vấn đề tập quán được thừa nhận.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường rất đồng tình. Ông cho biết tổng kết thi hành Luật HN&GĐ cho thấy tảo hôn là vấn đề rất lớn, xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số. “Chúng tôi cũng thấy là nên cho phép những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn các cháu sinh lý phát triển sớm, được cha mẹ đôi bên đồng ý…, nếu CP ủng hộ thì đưa luôn vào dự luật để trình QH quyết định” - ông nói.

Một điểm mới của dự luật là thừa nhận tình trạng ly thân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại tỏ ra băn khoăn với nhiều câu hỏi: “Thế nào là ly thân? Nhiều khi vẫn sống chung một nhà nhưng vợ chồng mỗi người một phòng, một thế giới riêng, có phải là ly thân không? Có khả thi nếu người ta không khai báo thật tình trạng ly thân ấy? Ly thân thật mà không khai báo thì có vi phạm không, có chế tài không?”.

Giải đáp những thắc mắc này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ chế định ly thân thể hiện trong dự luật rất chặt chẽ, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của những người liên quan. Chỉ khi nào họ có khai báo, đăng ký tình trạng ly thân thì mới được pháp luật bảo hộ.

Cũng theo ông Cường, dự luật còn đề xuất đơn giản hóa thủ tục ly hôn theo hướng với các trường hợp thuận tình và không có tranh chấp tài sản, con cái thì được chọn ra tòa hoặc đến cơ quan hộ tịch giải quyết. Hiện nay việc ly hôn thuận tình này phải đưa ra tòa xem xét, quyết định, với số lượng hằng năm rất lớn. Còn với dự luật, nếu được QH thông qua thì đôi bên vợ chồng có thể chỉ cần ra cơ quan hộ tịch - đầu vào khi đăng ký kết hôn - để làm thủ tục đầu ra là ly hôn. Án hôn nhân vốn chiếm tỉ lệ lớn trong giải quyết việc dân sự tại tòa. Nếu theo cơ chế mới, ngành tòa án sẽ giảm tải rất nhiều.

Kết luận phần thảo luận về dự án sửa đổi Luật HN&GĐ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý hôn nhân đồng tính, ly thân, mang thai hộ, tảo hôn... đều là những vấn đề lớn, trong xã hội có ý kiến khác nhau. Vì vậy dự thảo cần hoàn thiện thêm, nêu rõ nguyên nhân, mục đích, ý nghĩa của các quy định mới đó. Trên cơ sở đó, giao Bộ Tư pháp chuẩn bị trình QH xem xét.

Nghĩa Nhân

Theo Pháp luật TP

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,143

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]