Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 18/2013/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vận tải-người trực tiếp soạn thảo thông tư cho biết: Định hướng, nhiệm vụ quan trọng của thông tư này là tạo ra sự minh bạch trong quản lý, cởi mở về cơ chế cho DN vận tải.
Một trong những nội dung chính để thực hiện là, lần đầu tiên, mạng lưới tuyến vận tải hành khách, số lượng xe trên tuyến được quy hoạch và công khai. Theo đó, từ ngày thông tư có hiệu lực (1/10/2013) đến 31/12/2014, Bộ GTVT phê duyệt và công bố quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; UBND cấp tỉnh phê duyệt và công bố tuyến nội tỉnh.
Dựa trên bản quy hoạch và thực trạng khai thác được công bố hàng năm, các DN sẽ đăng ký khai thác tuyến. “Các DN đủ điều kiện nộp hồ sơ, nốt xe (giờ xuất phát tại bến) trên tuyến còn trống, cơ quan quản lý phải cấp, không có lý do gì để từ chối. Điều này giúp hạn chế được tiêu cực” - ông Hùng nói.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội nói: “Nhiều năm nay, chúng tôi liên tục yêu cầu Sở GTVT Hà Nội, Cty Quản lý bến xe Hà Nội công bố quy hoạch hướng tuyến, thực trạng xe chạy trên tuyến, nhưng không được. Điều này làm cho mọi thứ mù mờ. Có khi, bộ hồ sơ xin cấp tuyến nặng đã đến 3,6 kg mà chưa được thông qua”.
Theo ông Liên, một trong những tiêu chí để ý tưởng minh bạch, giảm tiêu cực là việc thực hiện nghiêm túc của các địa phương. Thậm chí, để giảm nạn chạy chọt, mua “nốt xe” trong nội bộ một tuyến; các địa phương phải công bố và quản lý chặt chẽ theo giờ xuất bến của từng xe.
Ông Đậu Xuân Ngọc, GĐ Cty Vận tải Thiên Trường (kinh doanh tuyến Hà Nội-Nam Định, Thái Bình) cho biết: Việc không minh bạch đang gây bức xúc cho DN, đặc biệt là việc xác định các nhà xe phải di dời khỏi “điểm nóng” Mỹ Đình hiện nay.
Sỹ Lực
Theo Tiền Phong