Chưa bao giờ có nhiều văn bản gây bức xúc như bây giờ

20/08/2013 15:18 PM

TTO - Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (20-8), khi đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng chưa bao giờ có nhiều văn bản gây bức xúc như bây giờ, có tình trạng ngồi trên trời mà ban hành pháp luật.

Nhà nước sai, dân có quyền khởi kiện không?

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu vấn đề: "Cử tri cho rằng hiện nay có tham nhũng qua việc xây dựng chính sách, pháp luật. Xin bộ trưởng cho biết có tham nhũng chính sách không, nếu có thì bộ trưởng có cách gì để khắc phục. Cử tri nói thực tế có nhiều văn bản của các bộ đá nhau, văn bản cấp dưới trái với quy định của văn bản cấp trên. Người dân đề nghị nếu thông tư, nghị định trái luật thì người dân có quyền khởi kiện, xin cho biết ý kiến của bộ trưởng?"

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) còn khẳng định: “Lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, pháp luật hiện nay là không ít, xin bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục?”.

Đáp lời, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói: “Tôi xin mạnh dạn báo cáo là hiện nay quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rất chặt chẽ, qua nhiều tầng lớp. Chỉ có thông tư, thông tư liên tịch thì chưa có quy trình kiểm soát chung. Còn từ quyết định của Thủ tướng, Nghị định của Chính phủ, Luật là quy trình rất chặt chẽ. Tuy nhiên, không loại trừ có chuyện như đại biểu đề cập vì trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật có sơ hở này, sơ hở khác”.

Ông Cường nói thêm rằng trong quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường, có những lĩnh vực, những quy định đưa ra gây tranh luận, thậm chí là nghi ngờ vì có nhiều quan điểm khác nhau. Chẳng hạn như các quy định về quản lý vàng, về kinh doanh xăng dầu… đã bị không ít đại biểu Quốc hội đặt vấn đề.  

Đối với quyền khởi kiện của người dân với các văn bản trái pháp luật, gây thiệt hại, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết đây là vấn đề chưa được quy định trong luật. “Các nước cũng không đưa vấn đề này ra tòa án và không quy định nhà nước phải bồi thường khi có những văn bản pháp luật như vậy. Bởi đây là sản phẩm của quản lý nhà nước” - bộ trưởng giải thích.

Không đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tiếp tục chất vấn: “Ý tôi hỏi là trách nhiệm của Bộ Tư pháp được giao kiểm tra, giám sát các văn bản nhưng chưa làm tròn trách nhiệm, cho nên người dân muốn trao quyền để họ tự bảo vệ mình, thấy luật sai thì dân phải được kiện. Còn chuyện bồi thường thì lý lẽ là dân sai luật thì dân bị phạt, nhà nước sai thì nhà nước phải bồi thường chứ. Đứng về phía người dân thì tôi ủng hộ quan điểm này. Ví dụ vừa rồi công an Hải Dương giữ bạch tuộc của dân, làm hỏng số bạch tuộc này, sau đó phải đền, tôi rất hoan nghênh vì sai thì phải đền”.

“Tôi chia sẻ ý của đại biểu Thuyền, sau này sửa Luật tố tụng hành chính thì nghiên cứu xem người dân có quyền khởi kiện văn bản quy phạm pháp luật không. Còn về bồi thường thì đại biểu nêu ra ví dụ hay ở công an Hải Dương, nhưng đây là quyết định hành chính chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật, mà quyết định hành chính thì đã được quy định rõ trong pháp luật về bồi thường. Còn việc bồi thường với văn bản quy phạm pháp luật thì chúng tôi đã tham khảo nhiều nước, họ không quy định cái này” - Bộ trưởng giải thích.

Chậm ban hành văn bản, ai bị kỷ luật?

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) chất vấn: “Hiện có tới tám luật được Quốc hội khóa XII thông qua nhưng chậm có văn bản hướng dẫn thi hành. Việc chậm tới 3-5 năm như vậy thì có thể nói là không thực hiện không? Không thực hiện thì có vi phạm không và có bị kỷ luật không?”. Vấn đề chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã nhận được rất nhiều câu hỏi tương tự. 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: “Chính phủ đã nhấn mạnh trách nhiệm đầu tiên về xây dựng thể chế là của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Các bộ phải phân công một thứ trưởng chuyên phụ trách công tác này. Định kỳ các bộ phải báo cáo Chính phủ”. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng thừa nhận tình trạng “bộ trưởng, trưởng ngành nào quan tâm, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thì công việc sẽ nhanh, chất lượng tốt”. Tuy nhiên, cả ông Cường và ông Đam đều cho rằng rất khó chấm dứt câu chuyện chậm trong xây dựng văn bản, bởi trong cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề mới, khó mà chính sách, pháp luật không phải bao giờ cũng đuổi kịp.

“Bộ trưởng chưa trả lời về trách nhiệm pháp lý trước Quốc hội, bởi việc chậm như vậy thì ảnh hưởng đến hiệu lực của pháp luật, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội… Tôi chưa thấy các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào?” - đại biểu Bùi Mạnh Hùng nhắc. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đáp rằng việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng là một tiêu chí để đánh giá bộ trưởng và Quốc hội cũng sẽ xem xét tiêu chí này khi lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đặt vấn đề chưa bao giờ có nhiều văn bản gây bức xúc như bây giờ, có tình trạng ngồi trên trời mà ban hành pháp luật, chưa bao giờ có nhiều quy định pháp luật như bây giờ nhưng luật lại ít đi vào cuộc sống. Bộ trưởng Hà Hùng Cường phản biện lại ý kiến của đại biểu: “Tôi xin phản biện lại ý kiến của đại biểu Lê Nam rằng có lẽ chưa bao giờ ý thức chấp hành luật pháp của cán bộ, công chức, của người dân có ý thức cao như bây giờ. Tôi lấy ví dụ như việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy đã trở thành nếp sống. Còn chuyện thông tư gây bức xúc thì vừa qua có một số việc, ví dụ như bà mẹ VN anh hùng được ưu tiên điểm thi đại học, đó là ý tốt của Bộ Giáo dục - đào tạo, chỉ có điều nó không phù hợp lắm với những lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa. Quy định này sau đó đã bị hủy bỏ”.

“Còn chính sách trên trời thì tôi cũng xin phản biện lại, có những cái không hợp lý, nhưng có những cái, ví dụ như xử phạt nghe điện thoại ở cây xăng thì vừa rồi cháy cây xăng đấy, rất nguy hiểm. Chúng ta đưa ra một quy định mới thì ban đầu có thể chưa xử phạt hết được, nhưng dần dần nó sẽ điều chỉnh hành vi. Ví dụ tôi nghiện thuốc lá, nhưng tôi sang Singapore người ta xử phạt 1.000 USD thì tôi không bao giờ dám hút” - bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Lê Kiên

Theo Tuổi Trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,956

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]