Theo đó, khi triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phải đáp ứng các điều kiện như vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng; biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 300 tỷ đồng Việt Nam; thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện theo quy định; hệ thống công nghệ thông tin theo dõi và quản lý chi tiết từng giao dịch của tài khoản bảo hiểm hưu trí…
DNBH được chủ động thiết kế sản phẩm bảo hiểm hưu trí nhưng phải bao gồm quyền lợi hưu trí định kỳ và quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo quy định.
Đối với quyền lợi hưu trí định kỳ, DNBH phải bảo đảm quyền lợi hưu trí được chi trả định kỳ đến khi người được bảo hiểm tử vong hoặc tối thiểu 15 năm, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm; Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thoả thuận về mức hưởng quyền lợi hưu trí mỗi kỳ, số kỳ nhận quyền lợi hưu trí; tính lãi tích luỹ từ phần quyền lợi hưu trí chưa chi trả cho bên mua bảo hiểm, nhưng không thấp hơn lãi suất đầu tư cam kết tối thiểu thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Đối với quyền lợi bảo hiểm rủi ro, DNBH phải cung cấp trong thời hạn đóng phí bảo hiểm và có thể tiếp tục cung cấp quyền lợi này trong thời gian nhận quyền lợi hưu trí, tuỳ theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Quyền lợi bảo hiểm rủi ro bao gồm tối thiểu quyền lợi trợ cấp mai táng; quyền lợi bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Ngoài quyền lợi bảo hiểm cơ bản, tuỳ theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm, DNBH có thể cung cấp thêm các quyền lợi bảo hiểm bổ trợ như quyền lợi điều chỉnh mức hưởng quyền lợi hưu trí định kỳ; quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp; quyền lợi chăm sóc y tế; quyền lợi hỗ trợ nằm viện; quyền lợi bảo hiểm cho người phụ thuộc; quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo; quyền lợi bổ trợ khác theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Khi thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện, DNBH phải sử dụng quỹ chủ sở hữu đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện không thấp hơn 200 tỷ đồng và phải duy trì tối thiểu 200 tỷ đồng tại quỹ này.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2013.
Thu Nga