Tuần qua, Bộ Tài chính
đã công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập
doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh
nghiệp để lấy ý kiến rộng rãi.
Theo dự thảo Nghị định, thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ
bao gồm: lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình
thức theo quy định của pháp luật, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác
trong hợp đồng cho vay vốn… cũng nằm trong thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thông tin này gợi nhớ đến đề xuất của Hiệp hội bất động sản TP HCM về đánh thuế
lãi tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên hồi khoảng cuối tháng 3-2013.
Tuy nhiên, có điểm khác là đề xuất của Hiệp hội bất sản TP HCM áp dụng đối với
cả doanh nghiệp và người dân.
Tất nhiên, doanh nghiệp không lấy gì làm vui trước thông tin trên. Giám đốc một
công ty về thiết bị điện cho biết, đề xuất này là bất công đối với doanh nghiệp
bởi để có tiền gửi tiết kiệm thì số tiền đó của họ đã phải chịu thuế thu nhập rồi.
Lãnh đạo một công ty khác về máy xây dựng bức xúc: “Dường như Nhà nước muốn tận
thu bằng cách đánh thuế lãi gửi tiết kiệm của doanh nghiệp. Khi kinh doanh khó
khăn, chúng tôi chưa biết đầu tư vào đâu cho hiệu quả thì ngân hàng là nơi
chúng tôi lựa chọn để đảm bảo có khoản chi trả tiền lương công nhân, tiền bảo
hiểm hàng tháng. Vậy mà sắp tới lại có thể bị đánh thuế?!”
Tuy nhiên, Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, đây là ý tưởng
hay và ông ủng hộ, bởi có thể Bộ Tài chính đưa ra đề xuất như vậy để hướng đến
các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế có vốn nhàn rỗi nhưng không chịu đầu tư
vào công ty con mà gửi tiền vào ngân hàng để sinh lời trong khi công ty con phải
đi vay với lãi suất cao. Đây còn là biện pháp để ngăn chặn những doanh nghiệp
có ý định trì hoãn nộp thuế, bảo hiểm cho người lao động để tận dụng tiền nhàn
rỗi gửi ngân hàng. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế khó khăn, việc thu ngân sách
khó thì áp thuế tiền lãi gửi tiết kiệm của doanh nghiệp cũng là biện pháp để
tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Đề xuất này chắc chắn sẽ gặp sự phản ứng của doanh nghiệp. Vì vậy, theo ông,
nên thực hiện có lộ trình và áp dụng mức thuế ở mức vừa phải, khoảng 15%-20%.
Còn Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, áp thuế như vậy là việc bình
thường. “Theo nguyên tắc, là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì tất cả hoạt
động của doanh nghiệp có tạo ra thu nhập phải chịu thuế TNDN” -TS. Vũ Đình Ánh
nói. Chỉ có điều, tùy theo từng quy định liên quan mà có những khoản thu nhập
người ta có thể chưa nên đánh thuế.
“Thời gian gần đây, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên họ
không đầu tư nhiều vào sản xuất mà gửi tiền dư thừa tại ngân hàng dưới dạng tài
khoản hoặc dùng cách này hay cách hàng để tạo ra thu nhập. Việc đánh thuế thu
nhập đó là hợp lý” -Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, trước đây có đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm cả
của dân cư thì mới đáng lo ngại bởi sợ người dân đua nhau đi rút tiền, còn đối
với doanh nghiệp, họ thường gửi tiền ngân hàng dưới tài khoản để thanh toán. Bản
thân doanh nghiệp không muốn gửi tiền vào ngân hàng để tính lãi, đấy không phải
là động cơ của doanh nghiệp, mà họ muốn đầu tư để sản xuất, kinh doanh. Vì vậy,
họ rất cần vốn để kinh doanh nên thậm chí phải vay vốn ngân hàng rất nhiều. Họ
chỉ gửi ngân hàng khi đang chờ đợi cơ hội làm ăn. Không ai dại gì thành lập
doanh nghiệp để lấy tiền gửi ở ngân hàng. Nếu doanh nghiệp rút tiền tại ngân
hàng sẽ có tác động tốt đến việc hướng hướng dòng tiền vào sản xuất kinh doanh.
Chung quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Thẩm Dương cho hay, thuế
là một công cụ nhắm tới nhiều chính sách và để điều tiết. Đánh thuế trên số lãi
chứ không phải trên số gốc tiền gửi, mà lãi là thu nhập của doanh nghiệp. Vì thế,
áp thuế là hợp lý.
Ông cho biết, ở giai đoạn này, chưa xem xét đánh thuế lãi tiết kiệm cá nhân là
đúng nhưng không phải người đề xuất sai mà chỉ là chưa hợp thời điểm, vì thu nhập
của người dân vẫn thấp, lạm phát cao, họ gửi tiết kiệm để dự phòng chứ không phải
để kinh doanh. Tuy nhiên, với doanh nghiệp lại khác, ngoài sản xuất kinh doanh
chính, họ có tiền gửi tiết kiệm. Trên thực tế thời gian qua, có những doanh
nghiệp thấy kinh doanh khó khăn, sau khi giải phóng dòng tiền họ đã gửi tiết kiệm
hàng nghìn tỷ đồng và đã thu về nhiều tiền lãi. “Đấy là kinh doanh rồi, chứ
không phải dự phòng nữa”- Tiến sỹ Lê Thẩm Dương nói.
Áp thuế lãi tiền gửi doanh nghiệp là việc nên làm nhưng áp bao nhiêu lại là
chuyện khác. Điều này còn phụ thuộc vào việc khuyến khích hay không khuyến khích
doanh nghiệp làm việc đó.
Không đồng tình với các ý kiến trên, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước lại cho rằng, đây không phải lần đầu việc đánh thuế lãi tiền gửi
được đưa ra bàn thảo, vì vậy cần phân tích sâu sắc, thảo luận kỹ càng trước khi
quyết định để chọn ra phương án tối ưu làm sao vẫn huy động được nguồn vốn xã hội.
Cá nhân ông nghĩ, không nên đánh thuế lãi tiết kiệm đối với doanh nghiệp. Bởi
tiền doanh nghiệp gửi tiết kiệm là thu nhập từ sản xuất, kinh doanh chân chính
đã phải chịu thuế. “Đã đánh thuế vào lợi nhuận của doanh nghiệp rồi thì sao
lại còn đánh vào lợi nhuận tiền gửi tiết kiệm của họ?. Như thế là thuế chồng
thuế”- Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm thắc mắc.
Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, muốn doanh nghiệp không gửi tiền tiết
kiệm mà tập trung vào sản xuất thì có nhiều cách, không nhất thiết cứ phải đánh
thuế. Chẳng hạn, giảm lãi suất tiết kiệm, tìm cách giảm hàng tồn kho, đẩy mạnh
tiêu thụ trên thị trường.
Thanh Hương
Theo Hà Nội Mới