- Chất lượng thẩm định văn bản hiện
nay chưa cao. Vậy theo ông, trong thiếu sót này, trách nhiệm Bộ Tư pháp đến
đâu?
- Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, có hai khuyết điểm rất lớn của công tác thẩm
định. Thứ nhất là thẩm định chậm, chúng tôi đang cố gắng khắc phục theo hướng
làm đến đâu chắc đến đó. Biện pháp là huy động thêm cộng tác viên giỏi, kéo thời
gian xây dựng quy trình pháp luật để thời gian thẩm định được dài ra cùng với
cơ chế liên kết giữa các ngành. Thứ hai là chất lượng thẩm định dù đã có những
tiến bộ nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước thì còn phải cố gắng rất nhiều.
Hiện nay, tính phản biện chưa cao. Văn bản chúng ta xây dựng đang trong thời kỳ
đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế đi vào chiều sâu... Với
tư cách là đại diện cơ quan chuyên môn sâu và có trách nhiệm "gác cổng"
pháp luật, bản thân người thẩm định phải có kinh nghiệm, sự nhạy bén về chính
trị mới phát hiện ra được những nội dung mâu thuẫn và đáng ra phải làm được điều
đó. Chúng tôi cũng đã làm nhưng còn chưa thỏa mãn với kết quả đạt được và sẽ cố
gắng trong thời gian sắp tới.
- Đã có văn bản nào Bộ Tư pháp thẩm định mà bị các bộ, ngành phản ứng chưa,
thưa ông?
- Có chuyện phản ứng rồi. Nhưng không hẳn là thẩm định không tốt. Có khi ý kiến
thẩm định chỉ chú ý đến luật mà không tham khảo, đánh giá tình hình kinh tế -
xã hội hay các ngành, lĩnh vực khác. Do người thẩm tra không hiểu chiều sâu của
vấn đề. Làm thế nào để các cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực này vừa có kiến
thức pháp luật sâu sắc vừa có kiến thức chuyên ngành ở mức cần thiết và đặc biệt
là kiến thức xã hội là mục tiêu chúng tôi đang xây dựng, chuẩn bị những điều kiện
cần thiết. Thế nhưng cũng có lúc nội dung văn bản không sâu sắc thì làm sao có
thể phát biểu thẩm định được một cách sâu sắc và có sự kết hợp giữa pháp lý, nội
dung để tránh được tình trạng thẩm định tính pháp luật thuần túy.
- Hiện nay, trung bình Bộ Tư pháp thẩm định 27 văn bản của các bộ,
ngành mỗi tháng. Phải chăng các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
quá nhiều?
- Đấy cũng là một yếu tố vì hiện nay mong muốn có pháp luật để thúc đẩy phát
triển kinh tế - xã hội là một nhu cầu rất lớn của nhiều bộ, ngành, người dân.
Do đó phải kết hợp giữa tốc độ và chất lượng. Mấy năm vừa rồi, tốc độ làm luật
của chúng ta rất lớn và là một yếu tố làm chất lượng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân
sâu sa do ngành nào cũng vội, cũng làm việc hết sức mình nhưng thời gian rất gấp
nên buộc phải chạy nước rút. Vì vậy phần nào ảnh hưởng đến "độ chất"
của văn bản. Do đó không phải ngẫu nhiên mà luật của chúng ta trong giai đoạn
hiện nay sửa nhiều hơn so với luật của các nước. Trong khi họp chuyên đề về xây
dựng luật, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc các bộ, ngành rằng thà chưa
ban hành còn hơn ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà không đúng với yêu cầu
thực tế, điều này vô cùng nguy hại.
- Thưa ông, tỷ lệ phát hiện các thông tư có sự gửi gắm quyền lợi và lợi ích
của các bộ, ngành ban hành nhiều hay không và ngăn chặn như thế nào?
- Thông tư là hướng dẫn những vấn đề nghiệp vụ chuyên sâu và là cách hướng dẫn
triển khai thực hiện những nhiệm vụ do bộ, ngành quản lý. Tuy nhiên trong luật
không thấy giao cho Bộ Tư pháp thẩm định. Nhưng Bộ Tư pháp có quyền có ý kiến
và thấy Bộ Tài chính một năm ban hành vài trăm thông tư nhưng sai sót thì chỉ
vài sản phẩm. Đối với nhận định các ngành thường hay thông qua văn bản pháp luật
để gửi gắm lợi ích mà phóng viên hỏi là có nhưng không nhiều. Nếu báo chí, dư
luận phát hiện thấy khuất tất, hãy lên tiếng, Bộ Tư pháp sẽ vào cuộc ngay. Cũng
đã có một số trường hợp Bộ Tư pháp giải quyết nội bộ nên báo chí không biết.
- Ngoài chuyện thẩm định văn bản còn "lọt lưới" nội dung không khả
thi, ngay đến quá trình ban hành luật, có không ít nội dung mang tính "đi
tắt đón đầu", bị dư luận phản ứng. Phải chăng có hiện tượng này vì các nhà
làm luật tính nội dung quá xa, trong khi các bất cập ở thực tiễn thì không xử
lý được khi luật có hiệu lực?
- Trong quá trình xây dựng luật, ngoài thẩm định của Bộ Tư pháp, quy định hiện
hành còn yêu cầu phải lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.
Nhưng vấn đề này các ngành làm còn yếu do đó khi luật ra đời, đối tượng bị điều
chỉnh bị sốc, phản ứng. Nếu làm nghiêm túc chắc chắn sẽ tránh được hiện tượng
này. Mặt khác, ở các nước tiên tiến, quy trình ban hành luật khoa học hơn. Cụ
thể, khi ban hành luật nhưng điều kiện thực tiễn chưa bảo đảm thì họ để một thời
gian sau mới có hiệu lực. Ví dụ như Luật Tiếp cận thông tin của Anh ban hành từ
năm 2001 mà đến 2005 mới có hiệu lực bởi vì họ dành một thời gian dài để bảo đảm
điều kiện thực thi. Chúng ta cũng có một thời gian để tuyên truyền phổ biến,
tuy nhiên chúng ta ít tính đến ngân sách để bảo đảm thực thi luật ấy như thế
nào. Đây là vấn đề lớn đặt ra cần tính đến tới đây.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
Hải Hà thực hiện
Theo Hà Nội Mới