Tại TP HCM, các đội liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tiến hành kiểm tra, kiểm soát mặt hàng trứng gia cầm trên thị trường. Mỗi tuần, các đoàn này cũng chỉ bắt giữ được vài trăm, vài ngàn quả trứng, trong khi trên thị trường mỗi ngày có từ 1,6-2 triệu quả trứng không qua kiểm dịch được người tiêu dùng mua và sử dụng.
Cha chung không ai khóc
Mặt hàng trứng gia cầm trên thị trường lâu nay có thể nói là bát nháo, mạnh ai nấy bán, trứng không kiểm dịch tràn lan. Còn trứng có kiểm dịch cũng như không vì cán bộ thú y không cần kiểm tra, chủ vựa trứng nói sao ghi vậy, thậm chí cấp giấy chứng nhận khống trước cho chủ cơ sở. So với trứng của các doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc có nhà máy xử lý trứng (mỗi quả trứng có chi phí xử lý làm sạch từ 150-200 đồng), trứng không qua xử lý không tốn phí và có lợi thế cạnh tranh lớn.
Thực tế cho thấy mặt hàng trứng gà, trứng vịt cho dù được nhiều cơ quan quản lý như cơ quan thú y, sở công thương, quản lý thị trường (QLTT), cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm... nhưng trên thị trường, trứng trôi nổi lại nhiều hơn trứng qua kiểm dịch.
Trứng gia cầm không qua kiểm dịch tràn lan trên thị trường
Hiện chỉ có cơ quan thú y bao sân kiểm soát từ đầu nguồn cũng như lưu thông trên thị trường nhưng xem ra chẳng thấm vào đâu. Trong khi cơ quan cấp giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm để các cơ sở tự in ấn nhãn mác lại không hậu kiểm, còn ngành công thương quản lý về thị trường cũng dường như “bỏ quên” mặt hàng này.
Cần phối hợp
Nhãn mác chất lượng hàng hóa đối với mặt hàng trứng gia cầm cũng do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (sở y tế các tỉnh - thành) cấp. Để được quyền in ấn nhãn mác, cơ sở trứng phải làm thủ tục cũng như gửi mẫu trứng xét nghiệm, nếu đạt yêu cầu mới được chi cục này xem xét cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan này lại không giám sát, kiểm tra mặt hàng trứng trên thị trường.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết sở hiện có nhiệm vụ kết nối với các doanh nghiệp để cung cấp mặt hàng trứng gia cầm có kiểm soát, có bao bì, nhãn mác ra thị trường. Mặt hàng trứng theo quy định cũng chưa bắt buộc phải có bao bì nhãn mác, tức trứng đựng trong thúng, trong bội, trong giỏ tre nhưng lại có giấy kiểm dịch của thú y thì cũng phải để cho họ bán chứ không thể làm gì được.
Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, đặt vấn đề: Lực lượng QLTT thường xuyên có người tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của TP, quận - huyện. Mặt hàng này cơ quan chịu trách nhiệm chính là Chi cục Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các chợ đều có lực lượng thú y kiểm tra tại chỗ, sao không quản lý được? Cũng theo ông Kiếm, để quản lý tốt mặt hàng này, các cơ quan chức năng cần phải phối hợp thực hiện mới mong có kết quả.
Các quận, huyện phải có trách nhiệm Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, TP cũng đã phân cấp quản lý mặt hàng gia súc, gia cầm trên địa bàn. Theo đó, chính quyền các quận - huyện phải có trách nhiệm, trứng bày bán trong chợ thì ban quản lý các chợ có trách nhiệm. Lực lượng thú y không thể có mặt thường xuyên, địa phương phát hiện nơi nào kinh doanh sản phẩm gia cầm trái phép thì liên hệ với chi cục để được hỗ trợ về chuyên môn. |
Nguyễn Hải