Mặc dù tăng trưởng kinh tế suy giảm, nhưng số liệu Điều tra Lao động và Việc làm của Tổng cục Thống kê trong năm 2012 vẫn cho thấy có sự cải thiện nhẹ ở cả ba chỉ số (tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ thiếu việc làm, thu nhập và tiền lương).
Tuy nhiên phân tích sâu hơn số liệu, các chuyên gia thực hiện Bản tin kinh tế vĩ mô số 9 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại thấy đã có nhưng dấu hiệu về sự khó khăn gia tăng trên thị trường lao động trong năm 2012.
Cụ thể tỉ trọng lao động không có bảo hiểm xã hội đã gia tăng đáng kể, từ mức 74,8% trong năm 2011 lên 78% trong năm 2012. Như vậy đã có dấu hiệu của sự chuyển dịch ngược từ việc làm chính thức trở về việc làm phi chính thức, với chất lượng việc làm suy giảm.
Mặt khác, nhóm lao động làm công ăn lương nhưng không có bảo hiểm xã hội có mức tăng lương danh nghĩa thấp hơn so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012.
“Như vậy những người lao động yếu thế hơn và chịu nhiều rủi ro hơn trong bối cảnh kinh tế suy giảm (do không có bảo hiểm xã hội) có mức tăng thu nhập thấp hơn và mức tăng đó cũng thấp hơn so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012” – Bản tin của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, những dấu hiệu của sự khó khăn trên thị trường lao động vẫn tiếp tục gia tăng. Tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm tăng.
Đáng quan ngại là, tỉ lệ thất nghiệp của tầng lớp thanh niên (từ 15-24 tuổi) trong 6 tháng đầu năm 2013 đã lên tới mức 6,07%. Trong đó tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị lên tới mức 11,45% (cao gấp 5,02 lần so với tỉ lệ thất nghiệp bình quân chung của cả nước trong cùng kì).
“Kết quả này phản ánh tình trạng trì trệ của nền kinh tế nói chung và tình trạng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp ít được cải thiện”- Chuyên gia Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra đánh giá trong bản tin.
Lương Bằng