Thiếu tướng Trần Văn Vệ, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (TC7), Bộ Công an, cho biết tại Hội thảo về số định danh cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do TC7 tổ chức ngày 25-9. Ông nói:
- Theo quyết định của Thủ tướng thì trẻ em sinh ra sẽ được cấp số định danh cá nhân luôn.
Cụ thể, từ 1-1-2016 toàn bộ trẻ em khi sinh ra sẽ được cấp số định danh. Tới đây, khoảng tháng 10-2013 chúng tôi sẽ thực hiện thí điểm việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em sinh ra tại Hải Phòng.
Khi Chính phủ duyệt cơ sở dữ liệu quốc gia thì từ nay đến năm 2016 sẽ tập trung thu thập dữ liệu, cập nhật cho khoảng 90 triệu công dân Việt Nam và cấp số định danh cá nhân cho những người này.
Đến năm 2016 sẽ cấp nối luôn số cho trẻ em mới sinh ra trên cả nước. Mã số định danh này được quản lý trong cơ sở dữ liệu, công dân chưa được quản lý, sử dụng và đến năm 14 tuổi được cấp CMND theo đúng mã số định danh này.
Đối với các trường hợp trẻ em khám chữa bệnh, đi nước ngoài du lịch hay định cư theo gia đình… thì khi làm thủ tục sẽ có cơ sở dữ liệu ngay trong hệ thống.
* Đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài thì sao, có được cấp những số định danh cá nhân này hay không?
- Công dân Việt Nam ở bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới cũng được cấp số định danh cá nhân. Trong phần mã số tương ứng với nơi sinh trên dãy số định danh cá nhân, chúng tôi đã tính toán để có những quy định về mã số tương ứng với từng quốc gia, vùng lãnh thổ và sẽ triển khai khi được Chính phủ cho phép.
Nhiều ý kiến đưa ra về việc sau khi cấp số định danh cá nhân, có người sẽ thay đổi địa phương sinh sống, có người sẽ thay đổi giới tính… thì việc xác nhận trên cơ sở số định danh cá nhân sẽ không chính xác, sai lệch.
Về vấn đề này, chúng tôi khẳng định luôn là số định danh cá nhân được cấp cho mỗi người chỉ có một số duy nhất, không trùng lặp, luôn được giữ nguyên, bất biến, trong đó thể hiện nơi sinh của cá nhân đó, giới tính, năm sinh. Trong trường hợp cá nhân đó sinh sống ở bất kỳ đâu thì nơi sinh cũng chỉ có một địa phương duy nhất, những thay đổi về nơi cư trú sẽ được cập nhật thay đổi vào cơ sở dữ liệu. Tương tự, trường hợp thay đổi giới tính cũng sẽ được cập nhật thay đổi tại cơ sở dữ liệu.
* Như ông đã nói, số định danh cá nhân sẽ là mã số thuế cá nhân, số BHXH… vậy các cơ quan liên quan sẽ phải điều chỉnh theo quy định như thế nào? Việc khai thác cơ sở dữ liệu này sẽ được thực hiện ra sao?
- Các ngành sẽ phải cấp, điều chỉnh theo đúng số định danh cá nhân mà công dân được cấp vì đây là quy định của Chính phủ. Cơ sở dữ liệu sẽ được ngành công an quản lý, sử dụng chung cho các bộ ngành. Sau này sẽ có các quy định hướng dẫn cụ thể ngành nào được truy cập cơ sở dữ liệu ở mức độ nào, chỉ một phần dữ liệu thôi vì trong đó có những bí mật đời tư của công dân. Cái này sẽ có những quy định bảo mật cụ thể.
Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình cho biết dự kiến dân số Việt Nam sẽ đạt mốc 90 triệu người từ ngày 1-11-2013. Mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ em ra đời, trừ đi số người chết mỗi năm thì dân số tăng khoảng 952.000 người/năm. Với tốc độ đó thì tới năm 2020 dân số Việt Nam sẽ đạt mốc ổn định khoảng 105 triệu người. Với dãy 12 chữ số mà Bộ Công an đang dự định để dùng làm số định danh cá nhân đủ để đảm bảo cấp trên 500 năm vẫn dư thừa. Số định danh cá nhân chính là số chứng minh nhân dân, mỗi công dân chỉ được cấp một số và vĩnh viễn không đổi, không trùng lặp, sẽ được sử dụng làm mã số thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội… |
MINH QUANG thực hiện
Theo Tuổi Trẻ