Tổng hợp chính sách tiền lương, công chức, viên chức có hiệu lực tháng 12/2023 (Hình từ internet)
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT thông tin một số chính sách tiền lương, công chức, viên chức có hiệu lực tháng 12/2023 như sau:
Nội dung đề cập tại Thông tư 21/2023/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập, có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.
Theo đó, viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật quy định tại Thông tư 21/2023/TT-BGDĐT được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89 quy định tại Bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV (hết hiệu lực từ ngày 16/12/2023) quy định: Chức danh nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật hạng IV (mã số V.07.06.16) quy định tại Thông tư liên tịch này được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06) theo quy định tại Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Mức lương cơ sở hiện đang áp dụng là 1.800.000 đồng.
Tiếp theo là loạt chính sách mới về vị trí việc làm công chức, viên chức của một số Bộ. Vị trí việc làm này sẽ là cơ sở để xây dựng bảng lương mới khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Thông tư 19/2023/TT-BYT hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành y tế chính thức có hiệu lực từ ngày 22/12/2023.
Thông tư 19/2023/TT-BYT hướng dẫn danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành y tế. (Xem thêm tại đây)
Thông tư 01/2023/TT-TTCP hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 18/12/2023.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan thanh tra, gồm:
- Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm:
+ Thanh tra Chính phủ;
+ Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
+ Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm:
+ Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ;
+ Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương;
+ Cơ quan thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ;
+ Thanh tra sở.
- Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ. (Xem thêm tại đây)
Từ ngày 16/12/2023, Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, có hiệu lực thi hành.
Theo đó, định mức giáo viên mầm non công lập được quy định như sau:
(4.1) Đối với nhóm trẻ: Cứ 15 trẻ em/nhóm trẻ từ 03 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi; 20 trẻ em/nhóm trẻ từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi; 25 trẻ em/nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ;
(4.2) Đối với lớp mẫu giáo: Cứ 25 trẻ em/lớp từ 3 tuổi đến 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 4 tuổi đến 5 tuổi; 35 trẻ em/lớp từ 5 tuổi đến 6 tuổi được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp;
- Những cơ sở giáo dục mầm non không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định tại điểm (4.1), điểm (4.2) hoặc sau khi bố trí nhóm trẻ, lớp mẫu giáo theo quy định tại điểm (4.1), (4.2) còn dư số trẻ thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo như sau: Cứ 06 trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi hoặc 08 trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi, 11 trẻ từ 3 đến 4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4 đến 5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5 đến 6 tuổi thì được bố trí thêm 1,0 giáo viên;
- Đối với nhóm trẻ ghép, lớp mẫu giáo ghép theo Điều lệ trường mầm non thì được bố trí định mức giáo viên theo quy định tại điểm (4.1), (4.2);
- Đối với điểm trường chỉ có 01 nhóm trẻ hoặc 01 lớp mẫu giáo không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định điểm (4.1), (4.2) thì được bố trí 2,0 giáo viên/nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo. (Xem thêm tại đây)
Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.
Theo đó, Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới về vị trí việc làm của giáo viên.
Đơn cử, theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT, vị trí việc làm "giáo vụ" cũng được xác định ở cấp học tiểu học, trung học cơ sở. (Thay vì chỉ có vị trí việc làm "giáo vụ" ở cấp trung học phổ thông và trường chuyên biệt, việc này nhằm giảm áp lực một số công việc quản lý hành chính đối với học sinh của giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở).
>> Xem chi tiết điểm mới tại đây
Thông tư 11/2023/TT-BXD hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ ngày 05/12/2023.
Theo đó, có 27 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Xây dựng, đơn cử như:
- Chuyên viên cao cấp Quản lý quy hoạch xây dựng
- Chuyên viên chính Quản lý quy hoạch xây dựng
- Chuyên viên Quản lý quy hoạch xây dựng
- Chuyên viên cao cấp Quản lý kiến trúc
- Chuyên viên chính Quản lý kiến trúc
- Chuyên viên Quản lý kiến trúc
- Chuyên viên cao cấp Quản lý hoạt động đầu tư xây dựng (Xem chi tiết tại đây)
Thông tư 10/2023/TT-BXD hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ ngày 05/12/2023.
Trong đó quy định 06 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng gồm:
- Vị trí việc làm Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng
+ Chủ tịch Hội đồng quản lý.
+ Thành viên Hội đồng quản lý.
- Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng
+ Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ.
+ Cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Trưởng phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Phó Trưởng phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập.
Thông tư 11/2023/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 05/12/2023.
Nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội như sau:
- Nguyên tắc xác định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 106/2020/NĐ-CP.
- Căn cứ xác định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 106/2020/NĐ-CP.
Thông tư 10/2023/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành lao động, người có công và xã hội trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 05/12/2023.
Theo đó, ban hành danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành lao động, người có công và xã hội như sau:
- Chuyên viên cao cấp về lao động tiền lương cấp trung ương.
- Chuyên viên chính về lao động tiền lương cấp trung ương và cấp tỉnh.
- Chuyên viên về lao động tiền lương cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.
- Chuyên viên cao cấp về bảo hiểm xã hội cấp trung ương.
- Chuyên viên chính về bảo hiểm xã hội cấp trung ương, cấp tỉnh.
- Chuyên viên về bảo hiểm xã hội cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện… (Xem thêm tại đây)
Có hiệu lực từ ngày 15/12/2023, Thông tư 12/2023/TT-BLĐTBXH quy định về Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.
Thời gian của chương trình bồi dưỡng:
- Tổng thời gian là 06 tuần x 5 ngày/tuần x 8 giờ/ngày = 240 giờ; trong đó: Lý thuyết: 96 giờ; thực hành, bài tập, thảo luận: 132 giờ; kiểm tra: 12 giờ;
- Một giờ học lý thuyết là 45 phút. Một giờ học thực hành/tích hợp/thảo luận là 60 phút. Một giờ kiểm tra là 60 phút.
Chương trình bồi dưỡng gồm 11 chuyên đề, được cấu trúc thành 03 phần:
+ Phần I: Kiến thức chung về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (gồm 03 chuyên đề bắt buộc).
+ Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (gồm 06 chuyên đề bắt buộc và 02 chuyên đề tự chọn).
+ Phần III: Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch.