Tỷ suất lợi nhuận là gì? Công thức tính tỷ suất lợi nhuận

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
04/12/2023 15:00 PM

Xin cho tôi hỏi tỷ suất lợi nhuận là gì? Công thức tính tỷ suất lợi nhuận của từng loại sẽ được tính như thế nào? – Hoàng Anh (Cần Thơ)

Tỷ suất lợi nhuận là gì? Công thức tính tỷ suất lợi nhuận

Tỷ suất lợi nhuận là gì? Công thức tính tỷ suất lợi nhuận (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tỷ suất lợi nhuận là gì?

Tỷ suất lợi nhuận là tỷ lệ giữa lợi nhuận và chỉ tiêu cần đánh giá hiệu quả sinh lời (như doanh thu, vốn chủ sở hữu, tài sản).

Trong đó:

- Lợi nhuận là khoản thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi lấy doanh thu trừ đi các khoản chi phí.

- Các chỉ tiêu cần đánh giá hiệu quả sinh lời:

+ Doanh thu: Doanh thu là toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp thu được từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của một cá nhân, tổ chức.

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 14, doanh thu được định nghĩa như sau: “Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu.”

+ Vốn chủ sở hữu: Vốn chủ sở hữu là nguồn vốn do doanh nghiệp sở hữu hoặc được góp vốn, đồng sở hữu cùng các nhà đầu tư, các cổ đông, thành viên liên doanh, tạo dựng nguồn lực để đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động. Tổng vốn chủ sở hữu được tính sau khi đã khấu trừ đi các khoản nợ phải trả.

+ Tài sản: Tài sản ở đây là tài sản của doanh nghiệp. Tài sản này sẽ bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, được doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động của mình.

Các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận:

- Tỷ suất giá trị thặng dư: Tỷ suất này càng cao thì giá trị tỷ suất lợi nhuận càng lớn và ngược lại

- Cấu tạo hữu cơ của tư bản: Nếu tỷ suất giá trị thặng dư không thay đổi, cấu tạo hữu cơ tư bản càng cao thì tỷ suất lợi nhuận càng giảm và ngược lại.

- Tốc độ chu chuyển của tư bản: Nếu tốc độ chu chuyển tư bản trong năm càng tăng thì tỷ suất thặng dư của tư bản càng lớn, khiến cho tỷ suất lợi nhuận tăng.

- Tiết kiệm tư bản bất biến: Nếu tỷ suất thặng dư và tư bản khả biến không thay đổi, tư bản bất biến càng lớn thì tỷ suất lợi nhuận càng nhỏ.

Tỷ suất lợi nhuận giúp đo lường, xác định doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả hay không. Cụ thể:

+ Nếu tỷ suất lợi nhuận dương thì kinh doanh của doanh nghiệp đó đang lãi.

+ Nếu tỷ suất lợi nhuận âm thì kinh doanh của doanh nghiệp đó đang lỗ. Chủ doanh nghiệp cần có những phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Công thức tính tỷ suất lợi nhuận

Hiện nay, tỷ suất lợi nhuận của một doanh nghiệp sẽ bao gồm các loại như sau:

- Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS - Return On Sales) hay tỷ suất lợi nhuận ròng là tỉ số giữa lợi nhuận thu được trên tổng doanh thu trong một kỳ cố định. ROS được đo bằng % và có thể thay đổi khi biến lợi nhuận và doanh thu thay đổi.

Công thức tính: ROS = (Lợi nhuận sau thuế / Doanh thu) x 100%

- Tỷ suất lợi nhuận gộp là chỉ số thường được sử dụng để đánh giá khả năng sinh lời của một doanh nghiệp trong một khoảng thời gian cụ thể. Biên lợi nhuận gộp sẽ cho bạn biết với mỗi đồng doanh thu tạo ra thì doanh nghiệp thu về được bao nhiêu đồng thu nhập/lợi nhuận gộp.

Công thức tính tỷ suất lợi nhuận gộp:

Tỷ suất lợi nhuận gộp (%) = Lợi nhuận gộp/Doanh thu thuần = (Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán)/Doanh thu thuần

- Tỷ suất sinh lợi:

+ Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA -  Return On Asset) là chỉ số phản ánh được khả năng sinh lời của tổng tài sản gồm cả vốn chủ sở hữu và vốn vay. Từ đó, thể hiện hiện tính hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp.

Công thức tính Tỷ suất sinh lời trên tài sản:

ROA = (Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản) x 100%

+ Tỷ suất sinh lời trên số vốn sở hữu (ROE - Return On Equity)

Công thức tính: ROE = (Lợi nhuận sau thuế / Vốn sở hữu) x 100%

ROE giúp chủ doanh nghiệp xác định được mức lợi nhuận thu về khi đầu tư vốn vào hoạt động kinh doanh. ROE càng cao thì khả năng thu hồi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp càng lớn.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 58,117

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]