Quy định thanh toán tiền nghỉ phép năm còn thừa mới nhất 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/01/2024 11:55 AM

Theo luật lao động mới nhất 2024, việc thanh toán tiền nghỉ phép năm (nghỉ hằng năm) với những ngày nghỉ phép năm còn thừa cho người lao động được thực hiện thế nào?

Quy định thanh toán tiền nghỉ phép năm mới nhất 2024

Chế độ thanh toán tiền nghỉ phép năm mới nhất 2024 (Hình từ internet)

Quy định thanh toán tiền nghỉ phép năm còn thừa mới nhất 2024

Về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép năm, người lao động và người sử dụng lao động có thể tham khảo nội dung tại Công văn 514/ATLĐ-CSBHLĐ năm 2021 thanh toán ngày nghỉ hằng năm do Cục An toàn lao động ban hành.

Theo đó, về vấn đề thanh toán tiền nghỉ phép năm, Cục An toàn lao động có ý kiến như sau:

Khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ”.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 4 Bộ luật Lao động 2019 quy định “…khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”.

Vì vậy, đối với trường hợp người lao động chưa nghỉ phép năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm mà không thuộc các trường hợp được nêu tại khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, nếu người sử dụng lao động thỏa thuận thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ phép năm chưa nghỉ trong những trường hợp này theo hướng có lợi hơn cho người lao động được khuyến khích theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy, việc thanh toán tiền nghỉ phép năm còn thừa được thực hiện theo hướng dẫn vừa nêu.

Quy định về ngày nghỉ phép năm theo luật lao động mới nhất 2024

Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ phép năm với người lao động như sau:

(1) Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

(2) Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

(3) Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

(4) Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

(5) Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019.

(6) Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc

Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 50,102

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]