Quyền và nghĩa vụ về an toàn vệ sinh lao động của NLĐ làm việc không theo hợp đồng như thế nào? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 3 Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:
- Được làm việc trong điều kiện an toàn vệ sinh lao động; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường an toàn vệ sinh lao động;
- Tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn vệ sinh lao động; được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động;
- Tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện;
- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của người lao động làm việc không theo hợp đồng về an toàn vệ sinh lao động được quy định tại khoản 4 Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 như sau:
- Chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh lao động đối với công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật;
- Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động đối với những người có liên quan trong quá trình lao động;
- Thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất an toàn vệ sinh lao động.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 14 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động phải được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động và được cấp thẻ an toàn.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho người lao động quy định nêu trên khi tham gia khóa huấn luyện. Mức, đối tượng và thời gian hỗ trợ do Chính phủ quy định chi tiết tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Tại Điều 32 Nghị định 44/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 140/2018/NĐ-CP) quy định hỗ trợ huấn luyện NLĐ làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động như sau:
- Đối tượng được ưu tiên hỗ trợ chi phí huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và thân nhân chủ yếu của người có công với cách mạng làm việc không theo hợp đồng lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động.
- Nguyên tắc hỗ trợ
+ Hỗ trợ chi phí huấn luyện 01 lần đối với 01 công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động;
+ Tham gia đầy đủ chương trình huấn luyện và sát hạch đạt yêu cầu, được cấp Thẻ an toàn;
+ Hỗ trợ cho người lao động thông qua tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.
- Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế của khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động nhưng không quá 50% mức lương cơ sở/người/khóa huấn luyện theo quy định của Chính phủ tại thời điểm huấn luyện.
- Nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp lập dự toán kinh phí hỗ trợ huấn luyện hằng năm, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí hỗ trợ huấn luyện cho đối tượng nêu trên trong dự toán ngân sách nhà nước.
Việc lập dự toán, phân bổ, giao dự toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ huấn luyện thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động trên cơ sở kinh phí được duyệt.