Từ ngày 01/7/2024, tổng mức góp vốn của công ty tài chính vào các doanh nghiệp không vượt quá 40%

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
05/03/2024 15:30 PM

Xin cho tôi hỏi theo quy định mới, tổng mức góp vốn của công ty tài chính vào các doanh nghiệp không vượt quá 40% đúng không? - Ngân Hà (Bình Dương)

Từ ngày 01/7/2024, tổng mức góp vốn của công ty tài chính vào các doanh nghiệp không vượt quá 40% (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 18/01/2024, Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

1. Từ ngày 01/7/2024, tổng mức góp vốn của công ty tài chính vào các doanh nghiệp không vượt quá 40%

Theo Điều 137 Luật các tổ chức tín dụng 2024 quy định giới hạn góp vốn, mua cổ phần như sau:

(1) Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 111 Luật các tổ chức tín dụng 2024 không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

(2) Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, kể cả công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 8 Điều 111 Luật các tổ chức tín dụng 2024 không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.

(3) Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó vào một doanh nghiệp, quỹ đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 118 và khoản 2 Điều 123 Luật các tổ chức tín dụng 2024 không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quỹ đầu tư nhận vốn góp.

(4) Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính vào doanh nghiệp, quỹ đầu tư, kể cả công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 118, khoản 2 và khoản 3 Điều 123 Luật các tổ chức tín dụng 2024 không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của công ty tài chính.

(5) Tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sau đây:

- Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó;

- Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó.

(6) Mức góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản (1) và khoản (3) không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, công ty tài chính vào một doanh nghiệp từ quỹ do công ty đó quản lý.

Như vậy, theo quy định nêu trên, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính vào doanh nghiệp, quỹ đầu tư, kể cả công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của công ty tài chính.

Trong đó, theo khoản 4 Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định:

Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó không được vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính.

2. Công ty tài chính góp vốn vào các doanh nghiệp vượt quá tổng mức góp vốn giới hạn thì bị xử phạt thế nào?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 10 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về giới hạn góp vốn, mua cổ phần.

Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; (Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP)

Như vậy, theo quy định, công ty tài chính góp vốn vào các doanh nghiệp vượt quá tổng mức góp vốn giới hạn thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 980

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]