Quốc gia là gì? Các yếu tố cấu thành quốc gia là yếu tố nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
27/01/2024 14:30 PM

Xin cho tôi hỏi quốc gia là gì? Các yếu tố cấu thành quốc gia là yếu tố nào? Nội dung chi tiết của từng yếu tố nào ra sao? – Yến Loan (Hậu Giang)

Quốc gia là gì? Các yếu tố cấu thành quốc gia là yếu tố nào?

Quốc gia là gì? Các yếu tố cấu thành quốc gia là yếu tố nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quốc gia là gì?

Quốc gia là một chủ thể bao gồm những đặc điểm về lãnh thổ có chủ quyền, dân cư sinh sống trên lãnh thổ có chung tư tưởng về lịch sử hình thành và lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với cộng đồng dân cư trên lãnh thổ.

Quốc gia được xem là cơ sở hình thành luật và cộng đồng quốc tế, được tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế, được hưởng đầy đủ quyền và thực hiện nghĩa vụ với tư cách quốc gia độc lập được công nhận.

Các yếu tố cấu thành quốc gia là yếu tố nào?

Theo Điều 1 Công ước Montevideo về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia (26/12/1933) đã đưa ra các yếu tố cấu thành quốc gia như sau:

“Một quốc gia là một chủ thể của luật quốc tế phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về: dân cư ổn định, lãnh thổ xác định, chính phủ và khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế.”

Theo nội dung nêu trên thì Quốc gia được tạo thành từ bốn yếu tố lần lượt là: Dân cư thường trú, lãnh thổ xác định, chính quyền, khả năng tham gia vào quan hệ với các quốc gia khác. Cụ thể:

(1) Dân cư ổn định (hay có thể gọi là dân cư thường trú)

Một quốc gia sẽ không có ý nghĩa nếu không có cộng đồng dân cư sinh sống ổn định. Quần thể con người của một quốc gia là tập hợp tất cả những cá thể có sự ràng buộc với nhau về mặt pháp luật của chính quyền chung, có quyền và nghĩa vụ đối với quốc gia, chung nguồn gốc lịch sử truyền thống văn hóa gắn liền với lãnh thổ mà họ đang sinh sống và gắn bó lâu dài.

Do đó, yếu tố con người chính điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển bộ máy chính quyền quốc gia.

(2) Có lãnh thổ xác định

Lãnh thổ quốc gia là một phần của trái đất bao gồm vùng đất, vùng nước, vùng trời, dưới lòng đất, lãnh thổ của quốc gia phải được xác định rõ ràng bởi đường biên giới trên đất liền với các quốc gia lân cận hay vùng không thuộc quốc gia nào, quốc gia đó phải được xác định trên bản đồ địa lí hành chính thế giới với vị trí và địa danh rõ ràng, Tuy nhiên giữa các quốc gia có thể có các vùng lãnh thổ tranh chấp, nhưng để đảm bảo yếu tố lãnh thổ xác định thì quốc gia đó phải có vùng lãnh thổ hoàn toàn được xác định rõ ràng thuộc chủ quyền của mình.

Ở khía cạnh pháp lý, phạm vi lãnh thổ quốc gia được xác định qua đường giới hạn lãnh thổ gọi là biên giới quốc gia và có quyền bất khả xâm phạm tuyệt đối. Biên giới quốc gia được xác định theo điều ước quốc tế mà nước thành viên ký kết hoặc theo quy định của pháp luật của quốc gia.

Lãnh thổ quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định pháp lý chủ quyền theo nội dung tại Điều 1 Luật Biên giới quốc gia của Việt Nam năm 2003:

“Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

(3) Chính phủ

Chính phủ là yếu tố cần phải có để điều hành xã hội, có chủ quyền được nhân dân tín nhiệm có đầy đủ chủ quyền và quyền lực trong việc thực hiện các quan hệ đối nội, đối ngoại, nghĩa là có thực quyền điều hành quốc gia trong lập pháp, hành pháp và tư pháp quyết định vận mệnh chính trị của dân tộc, tự do lựa chọn hình thức, thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội cho đất nước mình. Ngoài ra, chính phủ đó phải nắm được quyền lực đối ngoại nghĩa là nắm quyền đại diện quốc gia tham gia vào các quan hệ quốc tế, có khả năng thiết lập quan hệ pháp luật quốc tế.

Tại Điều 94 Hiến pháp 2013, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt: Chính phủ Việt Nam) là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.

(4) Có khả năng tham gia vào quan hệ với các quốc gia khác

Khi có đầy đủ các yếu tố cần thiết thành lập và phát triển, quốc gia sẽ có khả năng tham gia với tư cách là chủ thể cơ bản quốc tế, là thành viên của cộng đồng các quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế khác, tức là có khả năng thiết lập và thực hiện các quan hệ đối ngoại trong cả mặt thể hiện vai trò một chủ thể luật quốc tế, có khả năng về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội để có thể thực hiện quyền quyết định mọi vấn đề của quốc gia mà các quốc gia khác không có quyền can thiệp, đồng thời quốc gia ấy phải tôn trọng và thực thi đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế khi tham gia vào các quan hệ quốc tế.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 20,259

Bài viết về

lĩnh vực khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]