Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 02/2024/TT-BQP về công tác đăng kiểm tàu quân sự.
Theo đó, nguyên tắc đăng kiểm tàu quân sự được quy định như sau:
- Tàu quân sự đóng mới, hoán cải, hiện đại hóa, mua sắm, nhập khẩu, tiếp nhận, sửa chữa và đang khai thác sử dụng phải được cơ sở đăng kiểm kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và điều ước quốc tế liên quan, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng.
- Công tác đăng kiểm tàu quân sự bảo đảm tính độc lập, trung thực, khách quan, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tuân thủ Quy định của tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và điều ước quốc tế liên quan, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng hoặc tiêu chuẩn khác được Bộ Quốc phòng chấp nhận.
- Công tác đăng kiểm tàu quân sự do cơ quan đăng kiểm, cơ sở đăng kiểm trong Quân đội thực hiện. Tổ chức đăng kiểm ngoài Quân đội (sau đây gọi tắt là tổ chức đăng kiểm) chỉ được thực hiện đăng kiểm tàu quân sự khi Bộ Quốc phòng cho phép.
- Cơ sở đăng kiểm và đăng kiểm viên tàu quân sự chỉ được thực hiện các nội dung đăng kiểm theo phạm vi, nhiệm vụ được giao; phù hợp với lĩnh vực, chuyên ngành đăng kiểm được cấp có thẩm quyền công nhận.
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan phải chấp hành nghiêm các nội dung công tác đăng kiểm tàu quân sự theo quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự.
- Hoạt động kiểm tra của đăng kiểm không làm thay đổi công việc cũng như không thay cho trách nhiệm của cơ quan kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra chất lượng thuộc đơn vị sử dụng, cơ sở đóng và sửa chữa, cơ sở chế tạo sản phẩm công nghiệp dùng cho đóng và sửa chữa tàu quân sự.
Thông tư 02/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 27/02/2024.
Thông tư 25/2023/TT-NHNN quy định về công tác thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 31/12/2023.
Thông tư 25/2023/TT-NHNN quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Ngân hàng gồm các nội dung sau: đối tượng thi đua, khen thưởng; trách nhiệm tổ chức phong trào thi đua; tiêu chuẩn danh hiệu Lao động tiên tiến, Tập thể lao động tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc, Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước, hình thức khen thưởng Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Giấy khen, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam”; thẩm quyền quyết định khen thưởng, thủ tục đề nghị khen thưởng; thời gian nhận hồ sơ đề nghị khen thưởng; Hội đồng Thi đua khen thưởng và Hội đồng sáng kiến các cấp; quyền và nghĩa vụ của tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Trong đó, Danh hiệu “Lao động tiên tiến” ngành Ngân hàng được quy định như sau:
- Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng hằng năm cho các cá nhân trong ngành Ngân hàng chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế của ngành Ngân hàng, địa phương, của đơn vị và đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Thi đua, khen thưởng.
- Cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản, dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
- Đối với cá nhân chuyển công tác, đơn vị mới có trách nhiệm bình xét, tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Trường hợp có thời gian công tác ở đơn vị cũ từ 6 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của đơn vị cũ. Trường hợp cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét, tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị điều động, biệt phái xem xét quyết định và được cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái xác nhận.
- Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn trong nước hoặc nước ngoài dưới 01 năm, chấp hành tốt các quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại đơn vị để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng trong nước hoặc nước ngoài từ 01 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được tính vào thời gian để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
- Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với cá nhân thuộc một trong các trường hợp: mới tuyển dụng dưới 10 tháng, bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.
Thông tư 25/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 28/02/2024.
Thông tư 02/2024/TT-BTC bãi bỏ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính từ ngày 25/02/2024.
Theo đó, bãi bỏ toàn bộ 07 Thông tư sau đây:
- Thông tư 88/2018/TT-BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư;
- Thông tư 08/2016/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
- Thông tư 108/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2016/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
- Thông tư 52/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2016/TT-BTC ; Thông tư 108/2016/TT-BTC ;
- Thông tư 107/2018/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài;
- Thông tư 12/2017/TT-BTC hướng dẫn trình tự, thủ tục hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị của dự án triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường;
- Thông tư 180/2014/TT-BTC quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn ứng trước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện dự án di dân, tái định cư điện hạt nhân Ninh Thuận.