Phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ: Mục tiêu phát triển đến năm 2030

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
06/05/2024 14:53 PM

Cho tôi hỏi theo phê duyệt thì mục tiêu phát triển đến năm 2030 của vùng Đông Nam Bộ là gì? - Hải Yến ( Bình Dương)

Đông Nam Bộ: mục tiêu phát triển đến năm 2030

Đông Nam Bộ: mục tiêu phát triển đến năm 2030 ( Hình từ internet)

Vào ngày 04/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 370/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Có thể thấy, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm khi có nền kinh tế phát triển nhất nước ta, dân số đông và dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, GDP cũng như hợp tác đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và nhiều yếu tố kinh tế - xã hội khác. Vì vậy, việc đặt ra mục tiêu phát triển là điều vô cùng quan trọng.

Phạm vi ranh giới vùng Đông Nam Bộ áp dụng theo Quy hoạch

Theo như Quy hoạch thì vùng Đông Nam Bộ được chia phạm vi ranh giới thành 02 vùng:

- Vùng đất bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh và 05 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.

- Vùng biển ven bờ của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 của vùng Đông Nam Bộ

* Mục tiêu tổng quát

Nhìn chung, mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải cac-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học đến sinh sống và làm việc, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.

* Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

Trong Quy hoạch đã nêu khá cụ thể về những mục tiêu quan trọng ở những khía cạnh về kinh tế; xã hội; về vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng; vấn đề sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; và vấn đề an ninh xã hội. Bên cạnh đó còn đặt ra những chỉ tiêu số liệu cụ thể để phấn đấu thực hiện đến năm 2030.

 Về kinh tế:

+ Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 9%/năm, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng khoảng 8,5 - 9%/năm;

+ GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 - 420 triệu đồng, tương đương 14.500 - 16.000 USD;

+ Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41 - 42% trong GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng 45 - 46% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 33%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2 - 3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10 - 11%;

+ Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 35 - 40%;

+ Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 70-75%;

+ 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới;

+ Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 7%; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 56%.

Về xã hội:

+ Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,8;

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống khoảng 5% trong tổng số lao động làm việc;

+ Phấn đấu đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 10.000 dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%;

+ Phấn đấu đạt 450 sinh viên đại học trên 10.000 dân; có 02 - 03 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới.

+ Nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Bảo tồn, tôn tạo và phát triển các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp phát triển du lịch.

Về phát triển kết cấu hạ tầng:

Hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng khung kết nối vùng và liên vùng, bao gồm khoảng 850 km đường bộ cao tốc, các tuyến đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không, đường thủy nội địa; phát triển hạ tầng năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường:

+ Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 19,6%;

+ 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường;

+ 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại nguồn, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, phấn đấu tỷ lệ chôn lấp trực tiếp dưới 10% tổng lượng chất thải được thu gom;

+ Trên 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 20% đối với các đô thị còn lại được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định;

+ Tỷ lệ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của dân cư thành thị là 100%; tỷ lệ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của dân cư nông thôn là 95%;

+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định đạt 98%.

Về quốc phòng, an ninh: Giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, nhất là tại khu vực biên giới, biển, đảo; bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh.

Đây là những mục tiêu phát triển của vùng Đông Nam Bộ được thực hiện đến năm 2030. Để đạt được những mục tiêu cũng như đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững, vùng Đông Nam Bộ cần phối hợp chặt chẽ cũng như bám sát mục tiêu đã đề ra.

Xem thêm nội dung tại Quyết định 370/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Nguyễn Hữu Hiệp

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,230

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]