Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong thời gian tới (Hình từ internet)
Ngày 03/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 44/CĐ-TTg về ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Nội dung Công điện đề cập đến nhiệm vụ và vai trò của các cơ quan ban ngành trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Trước tình hình số ca ngộ độc thực phẩm, số người tử vong vì ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng. Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo các nhóm công việc sau:
- Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...;
- Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định;
- Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định;
- Nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
- Chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan ban ngành có liên quan tích cực, quyết liệt kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, kiểm tra các địa bàn có nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Theo khoản 5 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể.
Theo tình hình thực tế, số vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu bắt nguồn từ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Với nhóm đối tượng này, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định cụ thể như sau:
- Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;
- Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
- Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
(Khoản 1 Điều 22 Luật An toàn thực phẩm 2010)
Xem chi tiết tại Công điện 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024.
Trương Quang Vĩnh