Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản: lãi, lãi suất khoản vay sẽ được Tòa án xác định như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
08/05/2024 18:00 PM

Cho tôi hỏi, khi ra Tòa để giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, lãi suất khoản vay sẽ được quyết định như thế nào? – Thanh Thúy (Đắk Lắk)

Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản: lãi, lãi suất khoản vay sẽ được Tòa án xác định như thế nào?

 

Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản: lãi, lãi suất khoản vay sẽ được Tòa án xác định như thế nào? (Hình từ internet)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản được định nghĩa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Tuy nhiên, việc thực hiện hợp đồng vay không phải bao giờ cũng thuận lợi, có thể có nhiều yếu tố ảnh hưởng gây tranh chấp như người vay trả chậm, không đúng hạn theo hợp đồng; người cho vay muốn đòi lại tài sản sớm hơn thời hạn trong hợp đồng; mức lãi suất các bên thỏa thuận trái với quy định pháp luật;… làm phát sinh tranh chấp giữa các bên.

Hiện nay nhiều người lựa chọn đòi lại tài sản của mình thông qua hình thức khởi kiện ra Tòa án. Vậy khi các bên không thỏa thuận được với nhau về lãi suất, hướng giải quyết của Tòa án sẽ là gì?

Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản: lãi, lãi suất khoản vay sẽ được Tòa án xác định như thế nào?

Theo Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP TAND tối cao đã có hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm cụ thể việc tính lãi, lãi suất trong giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản được thực hiện như sau:

Hợp đồng vay không có lãi

- Khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì theo yêu cầu của bên cho vay, Tòa án xác định bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc quá hạn theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 trên số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất tối đa 10%/năm) x (thời gian chậm trả nợ gốc);

Hợp đồng vay có lãi

- Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 (không quá 20%/năm) tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 (không quá 10%/năm) tại thời điểm trả nợ.

Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa trả) x (không quá 10% trong trường hợp không thỏa thuận về lãi) x (thời gian vay chưa trả lãi trên nợ gốc).

- Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = (nợ lãi chưa trả) x (không quá 10%/năm) x (thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc);

- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận) x (thời gian chậm trả nợ gốc).

Trên đây là hướng dẫn tính lãi suất vay khi khởi kiện ra Tòa án áp dụng đối với đối tượng giao kết hợp đồng không phải là tổ chức tín dụng. Trong trường hợp đối tượng giao kết hợp đồng có một bên là tổ chức tín dụng thì không áp dụng mức lãi suất này.

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,763

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]