Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam từ 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
28/05/2024 13:35 PM

Ngày 16/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, có quy định về các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam từ 01/7/2024.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam từ 01/7/2024

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam từ 01/7/2024 (Hình từ internet)

1. Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là ngày nào?

Ngày 15 tháng 3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

(Khoản 1 Điều 13 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023)

2. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam từ 01/7/2024

Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định về các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam bao gồm:

- Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kỹ năng tiêu dùng để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Các hoạt động công cộng thu hút sự tham gia của số lượng lớn người tiêu dùng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

- Các hoạt động nằm trong khuôn khổ kế hoạch, dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Thủ tướng Chính phủ ban hành;

- Các hoạt động khác hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

3. Mục đích tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam từ 01/7/2024

Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm mục đích:

- Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước;

- Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Tạo cơ sở để huy động, tập trung nguồn lực, sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước;

- Nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

(Khoản 1 Điều 3 Nghị định 55/2024/NĐ-CP)

4. Kế hoạch tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam từ 01/7/2024

Hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức theo kế hoạch sau:

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan lựa chọn chủ đề phát động, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam hằng năm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm;

- Kế hoạch tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được thực hiện thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập trung vào tháng cuối năm và 3 tháng đầu năm, cao điểm từ ngày 01 đến ngày 20 tháng 3 hằng năm.

(Khoản 3 Điều 3 Nghị định 55/2024/NĐ-CP)

5. Trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại trong bảo vệ quyền người tiêu dùng Việt Nam từ 01/7/2024

Tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại có những trách nhiệm sau:

- Ban hành nội quy theo quy định của pháp luật trong đó phải có các nội dung cơ bản về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm: quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, người bán hàng; người có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, phản ánh của người tiêu dùng và biện pháp xử lý vi phạm.

- Hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và người bán hàng trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại khi được yêu cầu.

- Đặt và duy trì hoạt động của cân đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, trung tâm thương mại để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa. Cân đối chứng, thiết bị đo lường phải được kiểm định và còn trong thời hạn kiểm định theo quy định của pháp luật về đo lường.

- Thường xuyên giám sát chất lượng, số lượng của hàng hóa, cân đối chứng, thiết bị đo lường trong khu vực chợ, trung tâm thương mại.

- Thiết lập, niêm yết công khai đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng phù hợp với cấp độ chợ, trung tâm thương mại đã được phân loại theo quy định của pháp luật.

- Định kỳ 06 tháng một lần thông báo, phối hợp với các cơ quan chức năng về thương mại, quản lý thị trường, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trong việc kiểm soát chất lượng, số lượng, nguồn gốc, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại do mình quản lý.

- Báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định của pháp luật có liên quan khác.

- Xử lý vi phạm theo nội quy đã được ban hành theo quy định của pháp luật.

(Điều 5 Nghị định 55/2024/NĐ-CP)

Dương Thị Hoài Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 528

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]