Đề xuất quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
03/06/2024 14:00 PM

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

Đề xuất quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế

Đề xuất quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế (Hình từ internet)

Đề xuất quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế

Theo Điều 38 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cụ thể như sau:

- Người sử dụng lao động hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 27 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mà không đăng ký hoặc đăng ký không đúng số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; hết thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế mà không đăng ký hoặc đăng ký không đúng số người phải tham gia.

- Người sử dụng lao động đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 30 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

- Người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 6 Điều 33 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

Hiện hành, tại khoản 1 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nghiêm cấm hành vi: Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Luật không giải thích khái niệm “trốn đóng bảo hiểm xã hội” nhưng tại Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP có đề cập như sau: Trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015  là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

>>Xem thêm: Tội trốn đóng BHXH theo Điều 216 Bộ luật Hình sự

Đề xuất biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Điều 39 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đã đề xuất biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, cụ thể:

- Đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

- Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

- Áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng.

Hiện hành, quy định xử lý vi phạm về chậm đóng xã hội được quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Căn cứ khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với:

Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN.

Bên cạnh đó, tại Khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

- Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 918

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]